» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình
   
 
 

bạn và tôi
Tôi viết blog như là một cách tìm vui giữa bận rộn, tìm bạn giữa mênh mông dòng đời ...
 
 
 
Thứ Ba, ngày 18 tháng 09, 2007

Truyền thuyết Tây Sơn
Điểm Ngôi sao Blog: 0 (0 lượt)
| Bình chọn:

Trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam, mảng truyền thuyết về phong trào nông dân Tây Sơn có một số phận khá đặc biệt. Chỉ mới ra đời cách đây khoảng hơn 200 năm, nhưng do chính sách trả thù tàn bạo của nhà Nguyễn Gia Long, những truyền thuyết này đã bị thất lạc, mất mát khá nhiều. Gần đây,với nỗ lực không mệt mỏi xuất phát từ lòng yêu quý nhà Tây Sơn,  một số nhà sưu tầm đã cố gắng tìm được các tư liệu về truyền thuyết Tây Sơn một cách có hệ thống. Một điểm đặc biệt là ở những truyền thuyết này có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa sự thực lịch sử và truyền thuyết.

TRUYỀN THUYẾT  TÂY SƠN –ÁNH HỒI QUANG TỪ LỊCH SỬ   

   Tồn tại trong một thời gian ngắn(1771-1802), nhưng triều Tây Sơn đã để lại một lượng di sản văn hoá dân gian khá lớn, trong đó đặc sắc nhất là mảng truyền thuyết khá phong phú. Mảng truyền thuyết này kéo dài ít nhất từ vùng Quảng Ngãi vào sâu đến Phú Yên và đặc biệt phong phú ở vùng Tây Nguyên. Qua những thăng trầm của lịch sử, mảng truyền thuyết này đã mất mát khá nhiều, nhưng gần đây, qua công trình “Văn học dân gian Tây Sơn”(Nguyễn Xuân Nhân-Nxb Trẻ-TPHCM – Năm 2000) tập hợp hơn 40 truyền thuyết và giai thoại về Tây Sơn, có thể thấy thấp thóang ánh hồi quang của lịch sử trong mảng truyền thuyết này. Thực ra,nói đến truyền thuyết là nói đến những mối quan hệ giữa sự thực lịch sử và nghệ thuật. Vì  đặc điểm thi pháp của truyền thuyết là những truyện kể dân gian, thường có yếu tố tưởng tượng kỳ ảo, kể về những nhân vật và sự kiện lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử thể hiện cách đánh giá của nhân dân đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử . Trong thời xa xưa chưa có sử, những hạt nhân lịch sử chứa trong truyền thuyết là rất quan trọng . Các tác giả biên soạn Lĩnh nam chích quái đã từng nhận xét : “Những chuyện chép ở đây là sử trong truyện chăng?” Những người nghiên cứu mác xít cũng rất tâm đắc với luận điểm này: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân ta, qua nhiều thế hệ, đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình tha thiết của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của trí tưởng tượng nghệ thuật dân gian, làm nên những tác phẩm văn học mà đời đời con người ưa thích”(“Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương”-Báo Nhân Dân-29-04-1969). Là một hệ thống truyền thuyết cận đại, mối quan hệ giữa hệ thống truyền thuyết  Tây Sơn  và lịch sử lại càng khăng khít. Mảng truyền thuyết Tây Sơn có sự hoà quyện đậm đặc giữa các yếu tố lịch sử  và yếu tố tưởng tượng kỳ ảo.Đọc những câu chuyện trong mảng truyền thuyết Tây Sơn, chúng ta có thể nhận thấy bóng dáng của lịch sử thế kỷ 18 trong đó. Phong trào nông dân Tây Sơn với những chiến công vang dội và cả những bước thăng trầm, đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn nhân dân. Nhiều nhân vật trong truyền thuyết là nhân vật có thật trong lịch sử với cả hành trạng, chiến công . Và ngược lại, trong nhiều trường hợp, các nhà nghiên cứu phải tìm những hạt nhân lịch sử ở truyền thuyết để bổ khuyết cho chính sử thời Tây Sơn vốn ở trong tình trạng bị thiếu hụt, xuyên tạc do các sử gia triều Nguyễn. Một nhà sử học từng viết về các danh tướng Tây Sơn có ý kiến: “Nếu trước đó, tên tuổi các danh tướng trong sự nghiệp giữ nước từ đầu thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV và danh tướng Lam Sơn nhìn chung đều được các bộ chính sử xưa trân trọng ghi chép, do đó, việc tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của họ có những thuận lợi nhất định , thì rất tiếc là danh tướng trong chiến tranh nông dân thế kỷ XVIII và phong trào Tây Sơn , hoặc là rất ít được các bộ chính sử chép đến, hoặc là chỉ được chép đến với dụng ý xuyên tạc rất rõ ràng. Nghịch lý này cũng không có gì khó hiểu , bởi lẽ, sử cũ nói đến ở đây là sử biên soạn vào thời nhà Nguyễn, mà dưới con mắt của các sử gia thời Nguyễn, mọi phong trào nông dân bị coi là “giặc cỏ”, còn Tây Sơn là “kẻ thù không đội trời chung”. Sự hụt hẫng của chính sử tuy có được bù đắp bởi những trang ghi chép của dã sử và đặc biệt là những lời kể hào hùng phản ánh niềm kiêu hãnh bất diệt của nhân dân, nhưng, việc tập hợp, xác minh và chỉnh lý tài liệu cũng không phải nhờ vậy mà giảm bớt được khó khăn” (Nguyễn Khắc Thuần- Danh tướng Việt Nam- Tập 3-NXB Giáo Dục-2001). Rõ ràng, trong hệ thống truyền thuyết Tây Sơn, một số truyện có sự gắn bó chặt chẽ với sự kiện lịch sử thời Tây Sơn. Đương nhiên, đó chưa phải là lịch sử đích thực, nhưng cốt lõi vẫn là lịch sử.  Một ví dụ cụ thể: Theo lời cụ Hồ Công( thôn Phú Lạc, xã Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), từ xa xưa dân vùng này đã lưu truyền câu chuyện “ Bí mật Gò Lăng”. Đại thể chuyện kể lại hiện tượng vào những đêm trăng sáng ở vùng Gò Lăng thường có một cụ già mặc đồ trắng dạo quanh quẩn, người ta nghe thấy có tiếng khóc bi thiết, gần sáng thì hết. Truyền thuyết đã làm cho vùng gò này trở thành linh địa, không ai dám vào. Nhà thơ lão thành Quách Tấn, trong công trình “Nước non Bình Định” in trong thập niên 60 ở miền Nam cũng cho biết “Vùng Lăng rất linh thiêng. Không ai dám vào”. Bí mật Gò Lăng chỉ được làm sáng tỏ khi đầu năm 1990, nhân dân địa phương trong lúc làm đường đã đào được một tấm bia mộ cổ . Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn sau đó đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, tấm bia mới phát hiện kia là của ngôi mộ cổ ở Gò Lăng và người trong mộ chính là Hồ Phi Tiễn, ông nội của ba anh em Tây Sơn. Mộ do Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc lập năm 1779. Như vậy, truyền thuyết huyền bí này chắc hẳn do người đương thời tung ra để bảo vệ ngôi mộ. Tương tự còn có các trường hợp truyền thuyết về bà Chúa Hoả và Đền thờ Bà ở Phù Cát có liên quan đến Ngọc Hân công chúa. Như vậy, có thể thấy ở đây có hiện tượng mã hoá thông tin dưới dạng truyền thuyết để bảo vệ di sản Tây Sơn. Mặt khác, tìm hiểu truyền thuyết Tây Sơn có thể thấy xuất hiện xu hướng cận hiện đại, có độ chính xác sử học cao, yếu tố thần kỳ khá mờ nhạt. Thực chất truyền thuyết Tây Sơn là một loại sử dân gian ở địa phương Tây Sơn, trở thành tài sản thiêng liêng của người dân. Đó cũng là một nét riêng của hệ thống truyền thuyết này.Tất nhiên,  không nên đồng nhất hóa lịch sử đích thực và lịch sử trong truyền thuyết vì như một nhà nghiên cứu đã nói “Sự thật lịch sử chỉ là cốt lõi , chỉ là cái nền, cái phông để nhân dân nhào nặn lại, chứ không phải là sử đích thực.” Cho nên, không nên sử dụng truyền thuyết Tây Sơn như những cứ liệu lịch sử chính xác, khi nó đã dược nhìn qua lăng kính cảm tính của dân gian.  Chúng ta chỉ có thể sử dụng truyền thuyết Tây Sơn để hiểu lịch sử qua thái độ, cảm xúc của nhân dân đương thời đối với phong trào này. Xuất phát từ tình cảm yêu mến của nhân dân địa phương đối với các anh hùng Tây Sơn cũng như truyền thống trọng nghĩa khinh tài của người dân vùng này, nhiều truyện có âm điệu ca ngợi đức độ, tài năng phi thường của các tướng lĩnh Tây Sơn, đặc biệt là của ba anh em nhà Tây Sơn mà nhân dân địa phương tôn kính gọi là “Tây Sơn Tam Kiệt”. Mộtví dụ : trong lịch sử, ba anh em Tây Sơn vốn xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả, thuở nhỏ được gia đình cho đi học văn, học võ ở An Thái. Truyền thuyết lại miêu tả anh em Tây Sơn như những người nghèo khổ nhất, bần cùng nhất của xã hội thời bây giờ. Đó là vì người nông dân và nhân dân lao động muốn lãnh tụ của mình phải là người cùng cảnh ngộ, gần gũi, hiểu biết nỗi thống khổ của mình. Mặt khác, sự  nhân vật lại được“thiêng hóa” thể hiện qua những điềm báo trước họ là những con người có đức hạnh, tài trí ,sẽ là bậc đế vương tương lai. ( Ví dụ: Nguyễn Huệ đi buôn trầu ở vùng Cà Nác, ông nghỉ chân nằm ngủ dưới một gốc cổ thụ, đồng bào Ba na thấy có rồng chầu hai bên; Nguyễn Nhạc được kiếm báu cắm trên tảng đá trên núi). Nói theo cách nói dân gian, đặc điểm đó là “ý trời và tài trí của con người”. Mô típ ngưòi  tài trí được trời chọn này đã xuất hiện trong nhiều truyền thuyết về anh hùng của người Kinh (truyền thuyết Lý Công Uẩn, Lê Lợi…vv). Mặt khác,  sự thiêng liêng hoá thời gian , không gian , nhân vật  trong truyền thuyết còn cho thấy là dựa vào tín ngưỡng dân gian, những người sáng tạo nên truyền thuyết Tây Sơn hồi bấy giờ đã dùng yếu tố thần kỳ như là một phương tiện để xây dựng niềm tin vững chắc cho nhân dân các dân tộc địa phương đối với các lãnh tụ của nghĩa quân trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa . Một đặc điểm khác của thi pháp truyền thuyết là kết cấu và cốt truyện cuả truyền thuyết thường theo chuỗi, theo hệ thống . Thông thường,  tập trung quanh một nhân vật hay một sự kiện lịch sử thường có cả một nhóm truyện hay là một hệ thống những mẩu chuyện.Những chuyện trong chuỗi bổ sung cho nhau như là các phần khác nhau của một tác phẩm hoàn chỉnh xoay quanh nhân vật và sự kiện được kể. Điều này thể hiện tương đối rõ nét trong truyền thuyết Tây Sơn. Ở đây có những chuỗi truyện rõ rệt  về những nhân vật, những sự kiện khác nhau. Xét những truyền thuyết được tập hợp trong công trình “Văn học dân gian Tây Sơn”,  có thể thấy đặc điểm này, đặc biệt  là mảng truyền thuyết về ba anh em Tây Sơn, nhất  là anh hùng Nguyễn Huệ. Xét về đại thể, các truyền thuyết này theo sát các giai đoạn cuả cuộc khởi nghiã Tây Sơn , lại có thể chia làm những mảng nhỏ hơn như trước ngày dấy nghiã thì có các truyện “Mối tình Kinh Thượng””thu phục lòng dân” “trời trao mũ áo” “sứ giả Ngọc Hoàng” nói về quá trình xây dựng lực lượng, thu phục lòng người Kinh , người Thượng cuả các thủ lĩnh Tây Sơn. Khi khởi nghĩa thì có các truyện “Đêm đầu trong quán Chiêu Anh” “Cây Ké phất cờ, cây Cầy khỉ cổ” “Xuống núi khao quân”, “Đoạt thành Quy Nhơn”vv. Về từng nhân vật lại có những hệ thống mẩu chuyện nhỏ , thường là ba, bốn câu chuyện liên hoàn để giải thích về tính cách, tài năng như chùm truyện về Võ Văn Dũng, chùm truyện về nữ tướng  Bùi Thị Xuân …vvMột đặc điểm trong thi pháp xây dựng kết cấu truyền thuyết Tây Sơn là sự mờ nhạt cuả những yếu tố thần kỳ. Thông thường, kết cấu một tác phẩm truyền thuyết hòan chỉnh thường có các phần nói về sự ra đời kỳ lạ của nhân vật theo môtíp sự sinh nở thần kỳ, hình dạng phi thường , rồi kể về tài đức theo mô típ sức mạnh thể lực –tài năng đặc biệt của nhân vật – nhân vật được thần linh dạy và ban cho võ nghệ. Phần tiếp theo là kể  về những chiến công của nhân vật: những chiến công chống ngoại xâm, những chiến công gắn với các di tích văn hóa. Kết cục là sự ra đi thần kỳ của nhân vật và sự hiển linh cuả nhân vật sau khi chết. Nhân vật của truyền thuyết luôn luôn có cuộc sống tiếp theo sau khi đã mất . Họ luôn trở về phù trợ cho nhân dân, cho con cháu đời sau. Và đây cũng là chỗ khác biệt giữa nhân vật truyền thuyết và nhân vật truyện cổ tích. Trong kết cấu  truyền thuyết Tây Sơn, những phần này vẫn có mặt  đầy đủ nhưng do tính chất của những truyền thuyết cận đại, những chi tiết mang yếu tố thần kỳ đã khá mờ nhạt. Đây cũng là sự tiến triển về nhận thức và trình độ tư duy cuả người xưa trong việc xây dựng nhân vật chính.  “Do ra đời và phát triển trong một tiến trình lâu dài nên truyền thuyết đã bộc lộ đầy đủ trình độ tư duy của người xưa trong việc xây dựng nhân vật chính. Nếu nhân vật chính của bộ phận truyền thuyết thời kỳ Văn Lang mang tính chất bán thần (Lạc Long Quân, Thánh Gióng…) thì nhân vật chính trong các truyền thuyết về sau đã mang tính người ngày một rõ hơn, thậm chí họ chỉ còn lại khả năng giao hòa với thần thánh mà thôi (An Dương Vương, Lê Lợi…)(Nguyễn Xuân Đức-Những vấn đề thi pháp văn học dân gian-NXB Khoa học xã hội-2003-Trang 31) . Đến thời Tây Sơn, rõ ràng yếu tố  nhân vật có khả năng giao hòa với thần thánh cũng đã mờ nhạt hơn trong truyền thuyết. Khi xây dựng truyền thuyết về các anh hùng Tây Sơn, những con người sống ở thời cận đại, đã từng đối mặt với nền văn minh công nghiệp thể hiện qua tàu đồng đại bác cuả Tây phương, người nghệ sĩ dân gian tuy có kể nhưng ít nhấn mạnh những chi tiết như sự sinh nở thần kỳ hoặc sự hiển linh sau khi chết . Ví dụ như về anh hùng Nguyễn Huệ, gần như không có truyền thuyết nào về sự sinh nở thần kỳ, chỉ có chi tiết điềm báo trước như rồng ngũ sắc đưa chân khi bơi vượt qua Bầu Dài , sứ giả của Ngọc Hoàng trao mũ áo và tấm bảng “Nguyễn Nhạc vi vương, Nguyễn Huệ vi tướng”. Chỉ có mô típ sức khoẻ phi thuờng, thể lực, tài năng đặc biệt thể hiện qua các chuyện chém rắn mãng xà đề cờ khởi nghĩa hoặc nhổ cây đấu võ thu phục người thợ rèn đao tài giỏi. Khi ông mất, chỉ có những câu chuyện hiếm hoi về sự hiển linh. Như câu chuyện về mây mù trên đỉnh Mò O với chi tiết “Ngày vua Quang Trung băng hà, mây phủ kín núi Mò O, trời mưa như trút nước như khóc thương người anh hùng.”Một câu chuyện khác kể cứ đến đêm rằm tháng mười một (ngày giỗ chung cuả ba anh em Tây Sơn),thường có ba vệt sáng mang theo bóng ba con ngựa trắng từ ba hòn núi  Ông Bình, Ông Nhược, Ông Tào ở  đỉnh đèo An Khê bay về đình làng Kiên Mỹ và trên không có tiếng ngựa hí.  Lược qua một loạt chuyện như chuyện về vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân- Trần Quang Diệu , cũng có thể thấy điều này. Trong khi đó, lại nổi lên nhiều truyền thuyết có chi tiết sự hiển linh cuả những oan hồn nghiã quân Tây Sơn  như “Hòn đá chém” nói về những con ma không đầu than khóc chung quanh tảng đá đặt ở chùa Thập Tháp (An Nhơn- Bình Định) và nhiều truyền thuyết về các vị tướng hữu danh và vô danh sau khi bị chém ở chiến trường ôm đầu cưỡi ngưạ về đến quê nhà rồi mới ngã xuống ở các vùng Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn. Phải chăng sự trả thù tàn bạo của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn cũng đã phần nào ảnh hưởng đến nội dung và kết cấu của những  truyền thuyết này. Một đặc điểm khác cuả truyền thuyết là  các sự kiện, các nhân vật trong truyền thuyết thường gắn với sự thờ cúng, với các nghi lễ. Trong truyền thuyết Tây Sơn cũng có hiện tượng này. Như phong tục vui chơi Chợ Gò Phong Thạnh(Tuy Phước) ba ngày Tết gắn liền với truyền thuyết về hai vị tướng Trần Quang Diệu- Võ Văn Dũng trong trận vây thành Bình Định đã tổ chức các trò vui chơi tại đây trong ba ngày Tết để khích lệ tinh thần binh sĩ. Hoặc như ngày mùng 5 Tết, ngày Quang Trung báo tiệp thắng trận Đống Đa đã trở thành một Lễ hội lớn tại nhiều địa phương trên tòan quốc. Chưa kể những phong tục đặc biệt ở một số vùng như tục cúng Lăng Bà Nghiã ở Phù Cát(Theo một truyền thuyết là nhằm che giấu tai mắt nhà Nguyễn để thờ cúng Ngọc Hân Công chuá). Tuy nhiên, về vấn đề này, cứ liệu truyền thuyết còn ít và cần nghiên cứu thêm.Có thể nói, kho tàng truyền thuyết Tây Sơn chính là một thứ dã sử đã được thiêng liêng hóa. Nó có hệ thống khá hoàn chỉnh , có những đặc điểm riêng về kết cấu, về các sử dụng yếu tố thần kỳ. Với tầm vóc đề cập đến nhiều sự kiện, nhiều chiến công có tính chất toàn quốc , nó đã vượt ra khỏi quy mô địa phương . Vấn đề là cần có sự nghiên cứu thích đáng để mảng truyền thuyết phong phú này có vị trí xứng đáng trong hệ thống truyền thuyết Việt Nam và được nhiều người biết đến rộng rãi. Vì dân tộc nào kho tàng truyền thuyết càng phong phú thì sức sống dân tộc đó càng mãnh liệt.                                             

 VŨ TÙNG

aty >> 08:52 AM 3 góp ý

3 Góp ý:

Vào lúc 03:25 PM | Thứ Hai, ngày 08 tháng 10, 2007, aty

vutungCam on meo, nhung Vu Tung xin luu y:Tat ca bai viet o blog nay la nhung bai nghien cuu rieng cua minh. Va thay Nguyen Xuan Nhan-tac gia cong trinh "Truyen thuyet Tay Son"la thay day cua minh(Minhco 1 bai viet rieng ve thay da inh thanh sach-hom nao se go vi tinh lai cac ban doc choi)cNguyen tac cua minh :Khong su dung bai ko co ban quyen.Rat cam on ban da khen tang.

Vào lúc 02:57 PM | Chủ Nhật, ngày 07 tháng 10, 2007, mèo

meocon93Không hiểu bạn tìm những bài viết này ở đâu nhưng bạn rất giỏi đó

Vào lúc 10:25 AM | Thứ Ba, ngày 18 tháng 09, 2007, BINH BOONG Radio

binhboongradioChào bác Vũ Tùng!
Rất vui vì dc ghé qua blog của bác.
Mong bác có nhièu bài viết hay nữa!

Gởi góp ý mới

<< Trở về

Blog vutung
vutung70@yahoo.com vutung70@yahoo.com
(đã offline)
Lượt xem: 5460
vutung

Tên:
aty
Nơi cư ngụ:
Đồng Nai, Vietnam

Số điểm của Blog này là 145 (số lần vote: 25)

Xem thông tin cá nhân
Album Cá nhân
Danh sách bạn bè (8 bạn)
Kết bạn với blog này
Gởi tin nhắn
Thông báo bài xấu

Bạn bè
sasatran
hung84
meocon93
motgiacmobuon
hungthietke2000

Trang web của tôi

Đường dẫn yêu thích

    Các bài viết trước

    Lưu trữ

    Lưu bút
    nhatran Chúc một năm vui khỏe, an lành ạ! :-)
      gởi lúc 23:09 10/02/2008
    Chúc pà kon sang năm mới lanh như Chuột, siêng như Trâu, khỏe như Cọp, sang như Rồng, "thon thả" như Rắn, nhanh như Ngựa, hiền như Dê (khi học), nghịch như Khỉ (khi chơi), cần mẫn như Gà, tốt bụng như Chó, và dễ xương như Heo.
      gởi lúc 18:22 07/02/2008
    tranhanam 30 năm của trường, tớ không về được! Sắp kết thúc những ngày ăn cơm bụi Hà Nội rồi! À, có tài liệu nào liên quan đến Tuồng có thể gửi cho tớ được không? Tết này về phải đi xem hát bội để lấy cảm hứng làm luận văn!
      gởi lúc 11:45 21/01/2008
    nhatran Thỉnh thoảng có vào đọc blog của anh.
      gởi lúc 16:16 20/01/2008
    nhatran Gửi lời chào anh Tùng ạ :-)
      gởi lúc 16:08 20/01/2008
    Xem tất cả

     
     
    Powered by Ngoisaoblog.com