» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình
   
 
 

bạn và tôi
Tôi viết blog như là một cách tìm vui giữa bận rộn, tìm bạn giữa mênh mông dòng đời ...
 
 
 
Chủ Nhật, ngày 18 tháng 03, 2007

gửi Lãng tử Trần Nam-hồi ức về sư phụ
Điểm Ngôi sao Blog: 12 (2 lượt)
| Bình chọn:

VÌ THẦY CÓ CHỮ TÂM (Truyện ngắn)

 Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy. Một trưa Bình Định nắng ong ong, tôi cởi trần, người dẹp lép , vận độc cái quần đùi, đầu đội cái nón cà tàng, đang vật lộn với đôi bò trở chứng trên những sá cày ruộng mì khô khốc. Nào “dí” nào “thá”, hết trái lại phải, hai con bò vàng đói bụng vẫn đứng trơ như trêu ngươi. Mồ hôi túa ròng ròng, roi mây quất đen đét, tôi trổ hết “ nội công”để bừa hết khoảng ruộng cuối cùng, lòng chỉ lăm lăm lo sợ trễ buổi học chiều.Đúng lúc đó, thầy xuất hiện. Một người đàn ông trung niên đeo kính cận dày cộp, đi theo má tôi ra ruộng. "Ông thầy nầy ở Quy Nhơn ra, muốn gặp mầy có chuyện gì đó” má tôi bảo thế! Lần đầu, thầy gặp tôi là thế đấy!Hôm đó thầy nói rất nhiều, nhưng tôi chẳng nhớ được bao nhiêu, vì lòng lâng lâng một cảm giác gì rất khó tả. Ai đời, một người thầy dạy một trường chuyên lớn tại Thành phố Quy Nhơn, lại lặn lội đáp chuyến xe đò chật như nêm ra tận Phù Mỹ, một vùng quê hẻo lánh cách đó gần sáu mươi cây số chỉ để tìm tôi, vì “thấy con viết bài thi học sinh giỏi tỉnh lớp chín kỳ vừa rồi có năng khiếu”. Lại bảo tôi nên chuyển trường vào Quy Nhơn học, trong khi thời buổi những năm bao cấp, ba má tôi nghèo chỉ nuôi đám anh em tôi học phổ thông trường gần nhà thôi đã muốn  “sụm bà chè”, chớ nói chi chuyện đèo bòng lên học trường tỉnh. Má tôi phản đối quyết liệt vì “học ít ngu ít, học hung ngu hung”, cơm chưa đủ ăn mà lại còn đòi theo học văn chương cho “nói té chanh té bứa”chớ đâu té tiền té bạc. Ba tôi thì im lìm. Tôi biết, ông cũng muốn thử liều một phen cho tôi đi lên tỉnh học thiệt, nhưng chuyện tiền bạc thì ông lấy đâu ra. Còn tôi thì mếu máo, nửa vẫn lờ mờ hiểu ra một cơ hội gì đó, đẹp lắm, hay lắm đang đến với mình, nhưng nửa vẫn lo lỡ mình đi mấy sào ruộng nhà thì lấy ai tát ruộng be bờ, làm cỏ…Khó khăn trùng trùng, vậy mà sau mấy tiếng đồng hồ thuyết phục, không biết thầy nói cách nào mà má tôi chịu phục, bảo với ba tôi  “ Thôi thì cho nó đi, biết đâu mai mốt nó nên đàng công danh rạng cửa, rạng nhà…”. Thực ra thì bà cảm động vì thấy cái lòng thành tâm, thành ý của thầy. Thế là, tôi được chuyển từ một trường làng vào học Trường Trưng Vương, một ngôi trường  nổi tiếng ở Quy Nhơn .

Ba năm học với thầy, là ba năm  “phong ba bão táp” đối với tôi. Một chú chàng nhà quê chỉ có chút năng khiếu văn chương nhỏ nhoi, thế mà thầy dành bao công sức ra gọt giũa cho thật lực. Nào là dạy từ chính tả đến chấm câu, từ cách cảm thụ một câu thơ tinh tế đến viết một trang phân tích văn “đúng cân đúng lạng”. Đã thế lại phải lo cho tôi từ chỗ ở đến miếng ăn cái mặc chỉ vì ba má tôi nghèo quá, lại ở xa, chỉ biết hàng tháng gửi cho tôi một bao gạo và một bọc trứng gà , còn lại... “trăm sự nhờ thầy”. Cảm nghĩa thầy, tôi học hùng hục, mồ hôi túa trên những trang sách thầy cho mượn hoặc mua cho chẳng kém gì mồ hôi đổ trên luống bừa năm xưa khi tôi quất roi theo hai con bò vàng trên ruộng.“Văn con được cái chân, nhưng chưa hoạt lắm, còn cái chất nông dân nhiều..” Thầy thường bảo tôi thế.Kỳ thi quốc gia năm ấy, người ta ra một cái đề lạ chưa từng thấy: Bình luận bài thơ “Thơ ca” của nhà thơ Đaghétxtan Raxun Gamzatốp.Tôi chưa bao giờ đọc tác phẩm “Đaghétxtan của tôi” của Raxun Gamzatốp, một cuốn sách còn khá mới lạ đối với thầy trò tỉnh lẻ chúng tôi hồi ấy. Nhưng tôi đọc từng lời thơ mà nghe như nói về cuộc đời mình, về cuộc đời thầy, rằng vì sao những con người sống còn thiếu gạo, thiếu tiền như chúng tôi lại gặp nhau, rằng cuộc đời vẫn cần những lời thơ lãng mạn mộng mơ, những khát khao vươn lên từ  cuộc sống tầm thường. Đó chính là sự quan tâm đến nhau giữa cuộc đời, là tình thương giữa người và người đích thực. Tôi nhớ đến những giọt mồ hôi rơi giữa luống cày, đến người thầy đã lặn lội đường xa chỉ với một khát khao giúp cho một chú bé nhà quê có chút tia sáng văn chương le lói thành người hữu dụng. Nhớ đến rưng rưng những buổi thầy dạy tôi cái đẹp thơ ca giữa lúc trông chừng  nồi canh rau cho bữa cơm chiều…Và tôi đã viết như lên đồng về chức năng của thơ ca, về tình người trong văn chương, trong cuộc đời mà thầy đã giúp tôi hiểu được.

Chuyện văn chương lắm lúc cũng cầu ơ. Năm đó, may sao, tôi được giải ba toàn quốc.Rồi được tuyển thẳng vào trường sư phạm, tưởng như được nối nghiệp thầy. Ai ngờ, bước ra đời từ một cánh cửa hẹp, đời tôi còn lắm long đong lận đận. Đó là những ngày xã hội đang chuyển mình từ  thời bao cấp  sang thời  kinh tế thị trường . Ngành giáo dục thì như đang trong cơn bão , nào tinh giản biên chế, nào phân ban, cải cách….Cả khóa tôi tốt nghiệp xong cũng vừa tan tác, sáu mươi trên bảy mươi đứa ra trường bỏ nghề.  Tôi thất nghiệp, về quê nhà mở quán cà phê kiếm sống rồi làm chủ quán sách….Chẳng nghề gì tôi nề hà . Từ ngôi nhà nhỏ có khóm hoa quỳnh trong ngôi trường năm xưa, thầy vẫn lặng lẽ quan tâm đến tôi. Tôi làm chủ quán cà phê vườn , thỉnh thỏang , qua những người khách xa ghé uống cà phê bất chợt, vẫn nhận được  vài dòng thư động viên, vài lời nhắn gởi của thầy. Khách uống cà phê nhiều mà chỉ nợ không trả , tôi cụt vốn xoay sang mở hiệu  sách , ngày khai trương thầy gởi cả thiếp mừng,chúc buôn may bán đắt , dẫu tôi biết lòng thầy như xát muối, mừng nỗi gì khi đứa đệ tử cưng thay vì làm thầy lại đi bán sách.  Mấy năm sau, đời sống giáo dục bắt đầu bình  ổn lại, tôi mon men trở lại làm thầy giáo trường làng. Đôi lúc vào Quy Nhơn tập huấn hay đi thi giáo viên giỏi cấp tỉnh , lại đến thầy cầu viện. Thầy vẫn cười giễu tôi “A! Người hùng trường làng …” nhưng sau đôi mắt kính dày cộm lấp lánh những ánh vui. Và thầy lại tận tình dạy tôi như ngày xưa “Bình thơ là chuyện sáng tạo con ạ, đi vào thế giới tâm hồn của tài hoa, cũng phải tài hoa lắm , gượng nhẹ lắm …”. Rồi đến một ngày đẹp trời, tôi khăn gói quả mướp đến giã từ thầy đi vào Nam làm báo, thầy nắm tay tôi cười , một nụ cười nửa vui nửa buồn rồi đọc một câu của vai Triệu Khánh Sanh trong tuồng Đào Tấn “lao xao sóng bủa ngọn tùng , gian nan là nợ anh hùng phải vay”.  Bẵng đi năm năm sau, một chiều ba mươi Tết, tôi trong vai đạo diễn cầu truyền hình của một Đài truyền hình địa phương, đang ngồi bực bội và kiệt sức vì hàng trăm thứ chuyện bà rằn chưa làm xong trong khi giờ trực tiếp truyền hình đã đến. Bỗng nhận được một cái thư chuyển phát nhanh , giở ra có cuốn sách “Cảm nhận và bình thơ “ của thầy vừa được  xuất bản, thầy gởi tặng tôi với đôi lời nhắn gởi động viên. Bao mệt nhọc tan biến, lòng tôi rưng rưng , nhớ những buổi học xưa, nhớ thầy quá đỗi ….Thầy ơi, thầy có biết đâu, đã bao tháng năm dài lăn trong cát bụi cuộc đời, làm nghề gì tôi vẫn luôn tâm niệm những lời thầy dạy buổi đầu đến nhà tôi, rằng học hành không thiếu cũng chẳng dư, rằng biết đủ là đủ, cái cần nhứt là sống thực với mình và mở lòng ra với mọi người, còn cơm áo công danh ở cuộc đời, cần đấy, nhưng lắm lúc cũng như mâybay gió tản. Hàng chục bạn bè đồng môn nhưng khác lứa của tôi, những người đã từng được thầy nhặt lên giữa những luống cày bụi bặm, giữa những đợt cất vó trên đầm, nay cũng theo đuổi nghề văn, nghiệp báo giữa Sài Gòn … cũng luôn nhớ về những lời thầy dạy năm ấy. Bốn mươi năm đi dạy, thầy đã chắt chiu tìm nhặt lấy từng mầm non năng khiếu ở khắp trong Nam ngoài Bắc, để ươm trồng, để hy vọng, để bắc chiếc cầu cho đám trẻ vào đời.  Ngẫm cho cùng, má tôi, một bà nông dân ít học, nhưng bằng linh cảm kỳ diệu của một người phụ nữ, một người mẹ, ngay từ buổi đầu đã nghĩ đúng về thầy “Chỉ vì Thầy có chữ Tâm…”                                                          VŨ TÙNG                 

aty >> 11:13 AM 4 góp ý

4 Góp ý:

Vào lúc 04:13 PM | Chủ Nhật, ngày 20 tháng 01, 2008, Mint

nhatranMint rất thích đọc những bài viết thế này! (một lời ... quá tầm thường phải không ạ! Tuyệt

Vào lúc 07:03 PM | Thứ Tư, ngày 21 tháng 03, 2007, aty

vutungChào bác "Hà Nam danh giá...". Vì bài "người thắp lửa môn Văn "viết về sư phụ Trương Tham của bác mà Tùng quyết định tham gia diễn đàn này để cùng chia sẻ văn chương với bác, như cách đây 20 năm đấy. Hí...Hí...Hồi đó mới là trai tơ, bây giờ trên mạng chúng ta đã được xếp vào lọai "già khú đế"so với các em 8x, 9x rồi.....Chúng ta sẽ liên lạc thường xuyên nhé!

Vào lúc 10:57 PM | Chủ Nhật, ngày 18 tháng 03, 2007, Trần Hà Nam

tranhanamChào chú Tùng! Cuối cùng anh em mình cũng gặp nhau trên trang ngoisaoblog này nhỉ! Chuyện về sư phụ làm anh lại nhõ nhiều ngày chúng ta cùng học trong những buổi học miễn phí mà cảm nhận những vẻ đẹp văn chương. Mong đọc đựơc nhiều bài viết của phóng viên trên blog này!

Vào lúc 12:03 PM | Chủ Nhật, ngày 18 tháng 03, 2007, Người đưa tin

chuyenbenleO, mot nguoi ban cua anh Lang tu chang. hi vong se con nhieu nguoi tim anh lang tu tren nay

Gởi góp ý mới

<< Trở về

Blog vutung
vutung70@yahoo.com vutung70@yahoo.com
(đã offline)
Lượt xem: 5510
vutung

Tên:
aty
Nơi cư ngụ:
Đồng Nai, Vietnam

Số điểm của Blog này là 145 (số lần vote: 25)

Xem thông tin cá nhân
Album Cá nhân
Danh sách bạn bè (8 bạn)
Kết bạn với blog này
Gởi tin nhắn
Thông báo bài xấu

Bạn bè
sasatran
hung84
meocon93
motgiacmobuon
hungthietke2000

Trang web của tôi

Đường dẫn yêu thích

    Các bài viết trước

    Lưu trữ

    Lưu bút
    nhatran Chúc một năm vui khỏe, an lành ạ! :-)
      gởi lúc 23:09 10/02/2008
    Chúc pà kon sang năm mới lanh như Chuột, siêng như Trâu, khỏe như Cọp, sang như Rồng, "thon thả" như Rắn, nhanh như Ngựa, hiền như Dê (khi học), nghịch như Khỉ (khi chơi), cần mẫn như Gà, tốt bụng như Chó, và dễ xương như Heo.
      gởi lúc 18:22 07/02/2008
    tranhanam 30 năm của trường, tớ không về được! Sắp kết thúc những ngày ăn cơm bụi Hà Nội rồi! À, có tài liệu nào liên quan đến Tuồng có thể gửi cho tớ được không? Tết này về phải đi xem hát bội để lấy cảm hứng làm luận văn!
      gởi lúc 11:45 21/01/2008
    nhatran Thỉnh thoảng có vào đọc blog của anh.
      gởi lúc 16:16 20/01/2008
    nhatran Gửi lời chào anh Tùng ạ :-)
      gởi lúc 16:08 20/01/2008
    Xem tất cả

     
     
    Powered by Ngoisaoblog.com