Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá làm cho không khí ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Các bệnh đường hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí có tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ô nhiễm không khí và các bệnh liên quan vẫn còn hạn chế. Do vậy, các bệnh về ung thư, hô hấp, truyền nhiễm... đang tăng lên hàng năm.
Cả nước ô nhiễm
Ô nhiễm do khí thải công nghiệp gây ra chủ yếu là bụi, SOx,, NOx, COx.... Nồng độ bụi có xu hướng tăng theo thời gian, hầu hết đều vượt quá giới hạn cho phép, chủ yếu tập trung vào một số nhà máy vật liệu xây dựng (vượt tiêu chuẩn cho phép từ 20 đến 435 lần), các nhà máy cơ khí, đóng tàu (vượt 10 đến 15 lần), nhà máy dệt, may (vượt 3 đến 5 lần). Tại các khu vực dân cư gần khu công nghiệp, nồng độ khí CO2, CO, NO2 đã vượt tiêu chuẩn cho phép.
Công nghệ xử lý rác thải cũng hết sức lạc hậu, chủ yếu chôn lấp. Cả nước hiện có 82 bãi chôn lấp chất thải đang vận hành, nhưng chỉ 8 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Rất nhiều bãi chôn lấp được sử dụng cho cả chất thải thông thưòng và chất thải nguy hại như các loại hoá chất, pin, ắc qui, dầu xe máy, các loại mỹ phẩm, kim tiêm... Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn tồn tại các bãi rác lộ thiên, không có sự kiểm soát về môi trường, gây ô nhiễm nặng. Việc áp dụng các công nghệ tái chế chất thải còn hạn chế, hầu hết là các hoạt động tự phát do các cơ sở tư nhân và hộ kinh doanh ở các làng nghề thực hiện.
Đối với chất thải nguy hại, việc thu gom, xử lý chưa có qui hoạch, đầu tư của nhà nước, hiện đang được một số công ty tư nhân nhận xử lý với năng lực hạn chế, chưa đảm bảo được các yêu cầu bảo vệ môi trường. Riêng nước thải, 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý và nhiều cơ sở sản xuất có xử lý nhưng không đạt tiêu chuẩn môi trường. Chỉ có 12% cơ sở sản xuất hoá chất xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Hà Nội ô nhiễm trầm trọng hơn
Theo đánh giá của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội ngày càng nặng hơn. Nhiều nhà máy vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu, không có xử lý chất thải. Đặc biệt, ô nhiễm nước do sản xuất công nghiệp đang nằm trong “báo động đỏ”. Nhiều khu công nghiệp thải ra tới 500.000m3 chưa qua xử lý mỗi ngày. Một số ngành công nghiệp như hoá chất, phân bón, khai thác chế biến khoáng sản có lượng nước thải lớn, thải ra trực tiếp các sông, ao hồ làm ô nhiềm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khu vực xung quanh.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường bức xúc: Nước thải công nghiệp từ Việt Trì, Hà Nội đổ thẳng vào sông Hồng không qua xử lý làm cho hàm lượng kim loại nặng, các chất hữu cơ, đặc biệt là hợp chất phenol được clo hoá, BOD, COD rất cao. Tổng lượng nước thải của TP khoảng 300.000m3/ngày đêm, trong đó nước thải công nghiệp là 85.000-90.000m3/ngày đêm, chiếm 27-30%.
Nước thải chỉ được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại hoặc các bể lắng cặn trong các tuyến thoát nước chung, vì vậy nồng độ chất ô nhiễm ở một số điểm xả rất cao. Dự báo đến năm 2010, lượng nước thải tại Hà Nội sẽ tăng lên 1,35 lần và 1,46 lần vào năm 2020.
Sưu Tầm
|
0 Góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trở về