Mỗi ngày, hàng tấn thịt chó "made in" Cao Xá Hạ (Đức Giang, Hoài Đức, Hà Tây) được mang đi tiêu thụ khắp các nhà hàng tại Hà Nội. Trong số đó, một liều lượng không nhỏ thịt bị "pha" là nguồn thực phẩm độc hại như chó chết, chó bệnh, chó bị đánh bả... Người ăn bị thiệt hại đã đành, song những người giàu lên nhờ nghề "buôn chó sống, bán chó chết" này cũng hứng chịu những thiệt hại không kém...
Làng Cao Xá Hạ hiện ra trước mắt với những... đống phân chó to cỡ cây rơm. Khắp làng vang tiếng chó sủa. Chó được nhốt trong chuồng sắt. Đủ cả, chó nội - nguồn hàng truyền thống là Nghệ An, Hà Nam, Thanh Hóa; chó nhập ngoại, tức chó ở Thái Lan, Lào hoặc Campuchia.
Chẳng ai nhớ rõ nghề buôn chó xuất hiện ở thôn Cao Xá Hạ từ khi nào. Chỉ biết, khoảng năm 1956, làng Hạ xuất hiện người mua chó đầu tiên. "Ban đầu cũng chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, hai bên là hai chiếc sọt sắt được làm thép dây, trong để thêm chiếc thòng lọng bện bằng dây thừng, có cán "chế" bằng ống tuýp sắt, rong ruổi hết làng này qua làng khác tìm mua từng con chó", bà Thanh, một phụ nữ từng có thời gian dài gắn bó với nghề "buôn chó sống, bán chó chết" hồi tưởng lại. Cũng theo bà Thanh, do nghề lúc đó chưa phát triển nên việc thu mua chó sống là rất khó khăn: "Đạp rạc cả cẳng, ngày cũng chỉ mua được vài ba con. Chính vì vậy mà đã có không ít người buôn chó, vì lợi nhuận đã mua cả chó bệnh, chó ốm, rồi cả chó chết do ăn phải bả... Kể cũng liều, nhưng đâu có sao!".
Còn theo ông Chu, người trước cũng ở làng, nay chuyển sang bán bia hơi trên Hà Nội thì: "Những chú chó bị nghi có bệnh hay ăn phải bả sắp chết sẽ được cắt tiết tức thì và cái đầu phải cắt lìa khỏi cổ trước khi chó được vặt lông, vì người đời có câu "nhe như răng chó thui", họ e những chiếc răng có bám độc sẽ truyền sang tay người mổ bất kỳ lúc nào, nếu vô ý để tay trầy xước khi tiếp xúc với răng chó. Đến cả cỗ lòng, ngon là vậy cũng phải vứt bỏ". Ông Chu lý luận: "Chó ăn phải bả, độc tố còn nguyên trong khúc lòng. Do vậy, chỉ cần bỏ nguyên cỗ lòng đi là có thể ăn vô tư".
Chưa hết, những con chó xấu số chỉ còn da bọc xương, tưởng như vứt bỏ cũng được cánh buôn chó mua về vặt sạch lông. Không đem đi thui rơm vội, họ mang xác con chó... chôn xuống đống cát sau vườn, đợi qua một ngày sẽ bới cát tìm lại xác con chó gầy. Thật ngạc nhiên, lúc này con cẩu mới mập mạp, to béo làm sao. Ông Chu cười khà khà, cái cười đắc ý mà ông coi đó là một trong những tuyệt chiêu đã giúp ông qua mặt không ít các đối thủ vốn được liệt vào loại "dày vốn". Ông bật mí: "Chó gầy là vậy nhưng khi mang chôn xuống cát, cơ thể hút hơi ẩm sẽ trương phình lên, to béo, đẹp mã, không còn da bọc xương. Tới lúc này con chó mới được mang thui rơm - vàng ươm. Nhìn con chó đẹp mã đến vậy nằm chễm chệ trên chiếc mẹt bày trong chợ, đến mấy thằng bạn trong nghề với nhau còn không phát hiện ra nói gì đến các thượng đế lâu lâu mới làm miếng thịt chó"... Ông Chu bảo thủ thuật đó dân trong nghề gọi là "tân trang" chó chết.
70% lượng thịt chó ở Hà Nội nhập từ làng Hạ
Ông Chu cho biết: "Nói không ngoa thì hiện cũng phải hơn 70% lượng thịt chó đang được tiêu thụ trên thị trường Hà Nội đều có nguồn gốc từ làng Hạ này". Theo ước tính, thôn Hạ có 360 hộ thì có tới trên 50 gia đình theo nghề "buôn chó sống, bán chó chết" này. Mỗi ngày, trung bình làng "hóa kiếp" cỡ... 5 tấn chó hơi.
Một "đại gia" phải kể tên ở làng Cao Xá Hạ là bà Phong Đỏ, thâm niên ngấp nghé 40 năm trong nghề, với ngôi biệt thự gần nghìn mét vuông chặn hậu làng Hạ. Phía kế bên, qua một bờ mương đổ đầy xương và lông chó là lò mổ của gia đình luôn hoạt động hết công suất. Vì đã vào mùa rét nên có ngày cao điểm bà Đỏ phải huy động hết đám con cháu trong họ làm cật lực mới kịp đáp ứng đủ 4 tạ chó móc hàm.
Chưa dừng lại ở đó, bà Đỏ còn thuê hẳn một ngôi nhà 3 tầng rộng rãi, có địa thế đẹp, nằm trên phố Nguyễn Khắc Nhu (Hà Nội) với giá 10 triệu đồng/tháng để kinh doanh thịt chó. Không kém cạnh, giữa làng, bà Cảnh Sứ với lượng chó xuất đi thuộc hàng lớn nhất. Nhưng danh hiệu "độc bá" có lẽ thuộc về ông Nguyễn Văn Tu - chuyên cung cấp chó sống với một cơ ngơi 4 tầng nguy nga ngay đầu làng và cũng chỉ có gia đình ông Tu là nhập cả chó ngoại, có nguồn gốc xuất xứ từ Lào, Campuchia và Thái Lan.
Theo anh con rể cả của bà Đỏ, để kịp đưa 4 tạ chó móc hàm đi giao hàng trước 8h sáng thì công việc của những người "hóa kiếp" cho lũ cẩu cũng không phải đơn giản. Thay vì cầm chiếc búa đập vào sọ con chó cho tới chết như ngày xưa, giờ đây người làng Hạ nghĩ ra cách... dí dòng điện vào người chó, "chó chết rất nhanh mà cũng đỡ ghê tay". Công đoạn làm lông chó tiết kiệm được khá nhiều thời gian nhờ chiếc máy vặt lông chó. Do lượng chó giết mổ ngày một tăng nên gia đình anh đã quyết định mua hẳn một chiếc ô tô tải loại nhỏ chỉ để bỏ mối hàng ngoài Hà Nội. Chó hơi được anh mua vào đổ đồng với giá 20.000 đồng/kg, qua giết mổ xuất đi với giá "dưới 50.000 đồng/kg sẽ không nói chuyện".
Khác với những người cùng nghề, lượng chó trong lò mổ của ông Tu đều là... chó ngoại. Theo ông Tu thì mấy năm trở lại đây, lượng chó nội ngày một trở nên khan hiếm, giá cả lại đắt. "Chính vì vậy mà mình nghĩ tới việc chó mua ở Lào, Thái vừa rẻ lại vừa dễ tìm... Hơn nữa thịt chó ngoại nhập ăn vừa ngon vừa đậm, ngọt thịt so với chó nhà nuôi vì được nuôi ở vùng núi cao", ông Tu bảo vậy. Chỉ cần ngồi nhà, bật điện thoại, đầu kia - cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), sẽ cho người chở 7-8 tấn chó hơi tới tận làng Hạ giao cho ông Tu chỉ sau 2 ngày. Một ô tô chó như thế có giá khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Và trung bình mỗi tháng ông Tu tiêu thụ hết 7 chuyến xe chó nhập ngoại!
Nỗi ám ảnh
Có quá nửa nóc nhà trong thôn Cao Hạ là những ngôi nhà tầng cao ngất ngưởng. Thoạt nhìn, ít ai nghĩ rằng những căn hộ khang trang, đầy đủ tiện nghi được làm bằng số tiền chắt chiu từ nghề buôn chó - nghề đã thật sự làm thay đổi bộ mặt kinh tế cho nhiều gia đình trong làng. Thế nhưng, thoáng một nét gờn gợn trên khuôn mặt, ông Chu bảo: "Dù thế nào đi chăng nữa, đó vẫn là nghề sát sinh. Mà đã sát sinh ắt có nghiệp chướng". Có điều, những người có thể nói ra như vậy lại không trực tiếp làm nghề "hóa kiếp" hoặc giải nghệ đã lâu, điều mà người trong nghề hoàn toàn không muốn đề cập tới.
Nghề buôn bán thịt chó đã thực sự phát triển, thế nhưng vẫn chưa có một khu sản xuất, giết mổ tập trung. Chính vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đang ở mức báo động. Bắt nguồn từ nguyên nhân trên mà số người dân làng Hạ mắc những chứng bệnh có liên quan tới đường hô hấp ngày một gia tăng. Người dân xã Đức Giang, trong đó có làng Cao Xá Hạ vẫn luôn mong mỏi, chờ đợi có được khu sản xuất tập trung để bà con bớt khổ. Hầu hết các hộ làm nghề này đều áp dụng kiểu giết mổ thô sơ, tất cả chất thải như lông, phân chó đều đổ thẳng ra cống, rãnh của làng. Bầu không khí làng Hạ bây giờ là sự pha trộn giữa lông chó khô lẩn quẩn với mùi hôi bốc ra từ cống rãnh và những chiếc lồng nhốt chó...
Sưu Tầm
2 Góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trở về