Dân Sài Gòn bàng quan quá!
Đây là câu nói của 1 anh bạn của tôi. Hẳn nhiều người Sài Gòn mới nghe câu này sẽ cảm thấy bị "nhột" giống như tôi. Chuyện xảy ra là vào 1 buổi tối trời mưa dai dẳng như đêm nay. Khi chúng tôi đang chạy trên đường 3/2 thì nghe ở phía sau tiếng bánh xe dừng gấp "kee...eet". Anh bạn tôi liền lập tức quay đầu lại xem chuyện gì đã xảy ra. Đường tối, xe đông, nhiều người vẫn tiếp tục chạy xe -dù với vận tốc chậm - vẫn cố gắng ngoái đầu về đằng sau để xem chuyện gì đã xảy ra. Chuyện này thật nguy hiểm, điều này có thể gây ra tai nạn giao thông liên hoàn vì chẳng ai chịu nhìn xe ở đằng trước cả. Chính vì vậy mà tôi lên tiếng cáu gắt: "Lo nhìn xe đi, nếu không người bị tai nạn là mình đó". Thế là bạn tôi buông ra 1 câu: "Dân Sài Gòn bàng quan quá, xảy ra tai nạn mà chẳng ai giúp".
Hỏi ra mới biết bạn tôi đã tức tối chuyện này trong lòng lắm rồi. Bạn tôi kể, có hôm nghe được chuyện có vụ tai nạn xảy ra ở trên đường, không ai giúp đỡ, không ai gọi cấp cứu, người thì ngó lơ rồi chạy xe đi, người thì hiếu kỳ, vây quanh nạn nhân nhưng vẫn khoanh tay đứng nhìn, chỉ chỏ, bình luận... Một lúc sau mới có 1 phụ nữ trên 50t đi qua thấy vậy đã bế xốc nạn nhân lên đưa vào cơ quan gần đó và nhờ xe cơ quan để đưa đi cấp cứu nhưng mọi chuyện đều đã muộn. Nạn nhân tử vong trước khi được cấp cứu. Kết quả có thể sẽ không như vậy nếu người đó được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Bạn tôi còn nói, ở quê bạn tôi nếu có tai nạn xảy ra, người ta sẽ giúp đỡ thật nhiệt tình không hiểu sao ở Sài Gòn lại như vậy. Phải chăng con người càng phát triển thì càng trở nên bàng quan, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân?
Giật mình, nghĩ lại bản thân. Không biết kể từ khi nào mà khi gặp bất kỳ 1 đám đông nào ở trên đường, tôi đều không muốn nhìn xem chuyện gì đã xảy ra, chỉ muốn được đi thẳng về nhà cho yên thân. Bạn hỏi tôi vì sao ư? Bởi vì tôi sợ. Tôi sợ "máu me đầy đường", tôi sợ người ta đánh nhau lỡ chẳng may đánh trúng mình, tôi sợ .... còn nhiều thứ lắm. Vả lại nếu dừng lại tôi cũng chẳng biết phải làm gì để giúp, nhiều khi dừng lại còn góp phần gây ách tắc giao thông nữa chứ.
Quay lại anh bạn tôi, tôi nhớ có lần bạn tôi bị tai nạn trên đường đi thi. Cũng được nhiều người vây quanh lắm chứ nhưng chẳng có ai gọi cấp cứu, cũng chẳng ai dìu đứng dậy, cứ để nằm ngay giữa đường chơi vậy đó(trích nguyên văn của bạn tôi). Đến khi anh đưa số điện thoại nhà nhờ người khác gọi người nhà lên đón cũng phải năn nỉ lâu lắm mới có người giúp.
Nói chuyện này ra không phải là muốn lên án hay phê phán ai cả nhưng cứ để trong lòng thì thật khó chịu vì đây không còn là chuyện của riêng ai nữa. Phải chăng mỗi người đều cần phải suy ngẫm lại bản thân mình. Giờ học sức khỏe dạy cách sơ cứu khi gặp tai nạn, liệu mấy ai chăm chú nghe vì nhiều lí do: chán, không sinh động, không được thực hành, lý thuyết suông, không lấy điểm thi... . Sau giờ học đạo đức liệu mấy ai thực hiện được đúng câu "Giúp người trong lúc hoạn nạn". Nhiều khi tôi thấy những gì tôi được học không hẳn đúng với thực tế, cũng chẳng áp dụng được vào đời sống. Liệu đó có phải là lý thuyết suông?
Còn 1 việc quan trọng cần nói nữa làkhi gặp bất kỳ tai nạn nào trên đường, nếu cảm thấy mình có thể giúp đỡ, đừng ngần ngại, hãy mạnh dạn bước lên phía trước, nạn nhân rất cần sự giúp đỡ của bạn. Còn nếu bạn không có khả năng giúp đỡ người khác thì đừng gây ách tắc giao thông, gây ảnh hưởng đến việc đưa nạn nhân đi cấp cứu, đừng vì sự hiếu kỳ của bản thân mà góp phần cướp đi cơ hội giành lại sự sống của người khác.
|
0 góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trang chủ