Gởi góp ý Blog

Tên sổ Nhật ký * Hồn Việt * 
Bài Nên hay không nên biểu tình

Bạn có thể gõ dấu tiếng Việt tự động (F8 để thay đổi kiểu gõ)
Hãy nhìn thanh trạng thái của trình duyệt để biết thêm thông tin
Người gởi
Ẩn danh

Bài học kinh nghiệm – nhìn từ vấn đề biểu tình

Sáng sớm hôm nay tôi đã nhận được những thông tin của vụ biểu tình chống chính quyền Trung Quốc trên một vài blog, sau đó là từ một số hãng thông tấn trong, ngoài nước và cuối cùng là lời của người phát ngôn Lê Dũng. Về vấn đề này, tôi có một vài nhận định như sau:

Cuộc biểu tình nổ ra là một tất yếu không thể ngăn chặn.

Điểm hạn chế của phong trào phản đối cho tới hiện nay là tính tự phát và hoàn toàn chưa có một sự lãnh đạo chuyên nghiệp.

Tính tự phát được thể hiện qua việc người dân nhận được rất nhiều tin nhắn mời đi biểu tình nói rằng „cơ quan an ninh đã đồng ý“, mặc dù sau đó ông Lê Dũng đã khẳng định ngược lại. Như vậy, để gom thật nhiều người biểu tình, một số người đã phát tán tin nhắn có nội dung không đúng sự thật, mặc dù hành động này có thể giải thích dựa trên động lực của tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc, song, xét về mặt luật pháp, hành vi đó có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Chưa kể đến một số biểu hiện quá khích như một vài người đã hô „đả đảo Đảng Cộng sản“, „chính quyền nhu nhước“, ý định đốt cờ Trung Quốc, dẫm lên cờ Trung Quốc. Những hành động đó có thể làm mất đoàn kết nội bộ ta cũng như tổn thương tinh thần dân tộc của người Trung Quốc, không tốt cho tiến trình đàm phán của chính phủ.

Biểu ngữ mới chỉ xuất hiện cỡ nhỏ, viết tay, có chỗ sai chính tả. Nội dung các khẩu hiệu chủ yếu là: chống bọn xâm lược Trung Quốc, Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Đáng tiếc, đây lại là sự nhắc lại những luận điệu của chính bọn xâm lược, nhưng với nội dung đảo ngược và với tương quan lực lượng nhỏ hơn họ rất nhiều mà thôi! Chúng đặt ra thành phố Tam Sa, chúng lừa mị nhân dân Trung Quốc để họ cũng có niềm tin rằng: „Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc“ hay „Việt Nam đang xâm lược Trung Quốc“. Đáng lẽ, các cuộc biểu tình của chúng ta cần phải vạch mặt rõ ràng thủ đoạn mị dân và vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn của bọn xâm lược, thì chủ yếu người biểu tình lại chỉ dừng lại ở mức độ tụ tập và hô hào cho tinh thần dân tộc. Nếu chỉ hô hào tinh thần dân tộc thôi, thì người Trung Quốc còn hô to hơn chúng ta rất nhiều!

Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là vấn đề tranh chấp của quốc tế chứ không phải là vấn đề của riêng dân tộc hay riêng nhóm người nào, bởi vậy nó chỉ có thể giải quyết bằng những lập luận dựa trên luật pháp quốc tế, và dẫu rằng, luật pháp quốc tế cũng thường chỉ gồm những nước mạnh, song việc đưa vấn đề này ra soi xét theo các công ước quốc tế thông qua sự giám sát của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là những công ước về ứng xử chủ quyền của các nước trên biển, vẫn còn tốt hơn là đơn độc và trực diện tranh chấp với Trung Quốc bằng chủ nghĩa dân tộc đơn thuần.

Bởi thế những cuộc biểu tình cần phải đưa ra được những luận điểm không chỉ kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc và phát huy ý chí toàn dân, cần phải đưa ra được những luận điểm đả phá việc làm vi phạm pháp luật và thiếu tôn trọng dư luận quốc tế của chính quyền Trung Quốc – trên cơ sở của tinh thần quốc tế. Lợi ích của nhân dân Việt Nam cần phải được đặt cùng với lợi ích của nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Trung Hoa nữa, trong việc chống lại một kẻ thù chung là chủ nghĩa bá quyền, nguyên nhân của chiến tranh và bất ổn trong khu vực và quốc tế.

Hàng hoá kém chất lượng, thậm chí độc hại của Trung Quốc xuất hiện khắp mọi nơi và gây bất bình cho nhân dân toàn thế giới. Tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc đã trỗi dậy đến nỗi người Nhật, một quốc gia với tinh thần dân tộc cũng mạnh mẽ không kém, phải ngỏ lời nhắc nhở. Trung Quốc còn là thủ phạm số một của tình trạng ô nhiễm môi trường với lượng CO2 thải ra đã đạt mức cao nhất thế giới, tốc độ phát triển nóng và thiếu bền vững cùng với tình trạng sử dụng bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việt Nam sẽ là dân tộc đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chính trị chống lại những tư tưởng cực đoan ấy! Việt Nam cần phải đưa ra những khẩu hiệu đấu tranh vạch mặt sự bành trướng và vi phạm trắng trợn của Bắc Kinh:

- Đả phá tinh thần Đại Hán cực đoan!

- Trung Quốc phải tôn trọng luật quốc tế!

- Trường Sa và Hoàng Sa là vấn đề quốc tế, Trung Quốc không có quyền

- Đại Hán đang thôn tính thế giới!

- ASEAN, đoàn kết lại!

- Trung Quốc đi sai nguyên tắc của CNXH

Những cuộc biểu tình cần phải hỗ trợ cho cuộc đấu tranh trên bàn ngoại giao. Cuộc tranh luận nóng giữa lãnh đạo TPHCM và người biểu tình chứng tỏ người biểu tình còn mang tính tự phát, dựa trên tình cảm dân tộc đơn thuần, chưa có sự thống nhất chặt chẽ về mặt lí luận để cùng với nhà nước hành động. Đoàn Thanh niên cũng bị động đối với những vấn đề này.

Tuy nhiên cuộc biểu tình nổ ra cũng đã mang lại những ý nghĩa nhất định. Những lá cờ đỏ sao vàng, những tiếng hò reo, những giọt nước mắt và nỗi tức giận như vỡ oà ra cùng hàng trăm con tim. Chưa bao giờ Việt Nam lại có một không khí đoàn kết như thế này. Những lá cờ phất phới bay. Việt Nam – lòng yêu nước rồi sẽ kết thành „những làn sóng to lớn và mạnh mẽ. Nó nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước...“ Một ý nghĩa quan trọng nhất mà cuộc biểu tình đã đạt được, là đã xây dựng được tiếng nói thống nhất giữa chín quyền và người dân thông qua lời hứa của Thành đoàn TPHCM sẽ tổ chức một cuộc tuần hành vào tuần sau cho nhân dân thành phố.

Như vậy, tuần sau chính quyền chắc chắn sẽ tổ chức những buổi tuần hành lớn. Sẽ có cờ hoa, loa và biểu ngữ - không phải như hôm nay, mà sẽ to hơn, đẹp hơn, ý nghĩa hơn để lật mặt kẻ xâm lược Trung Quốc! Những hàng người nối đuôi đứng thẳng tắp. Những cánh tay vẫy chào. Những giọt nước mắt và lòng tự hào đang dâng lên trong từng con tim chỉ còn chờ vỡ oà ra thành những đợt sóng mạnh mẽ. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên những con phố, trên những mái đầu còn xanh hay đã bạc trắng. Một Đoàn viên Thanh niên Cộng sản sẽ đứng ra, nói cho đồng bào nghe rõ. „Trường Sa và Hoàng Sa là vấn đề trách nhiệm của luật pháp quốc tế, và chính quyền của chúng ta sẽ quyết tâm giành lại cho bằng được! Ủng hộ chính phủ Việt Nam! Ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam!...“ Những khẩu hiệu khôn ngoan và đậm chất chính trị được giương cao và rõ ràng sẽ thông điệp gửi đến công luận quốc tế và là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho tương lai của đàm phán, đồng thời sẽ là cái tát trời giáng vào chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh.

Cuộc đấu tranh còn lâu dài! Chúng ta phải đoàn kết, tỉnh táo và bình tĩnh! Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!

Theo Blog Lê Hoan