Dân quê tôi không dám đi chợ.
Có một bài ca dao được bọn nhóc xóm tôi hát chệch đi rằng: “Bà ba đi chợ Phước Đông, bà đi bà xách giỏ không mà về”.
.
Bà Ba ở đây, bọn nhóc ám chỉ những bà, những cô, những chị sáng sáng vẫn hay đi chợ mua thức ăn.
.
Còn xách giỏ không, không phải là do ham ăn hàng chè bưởi quên cả chuyện chợ búa, cũng không vì ham vui, la cà buông chuyện mà trễ giờ chợ muộn mà là do không thể hay đúng hơn là không biết mua bất cứ một thứ gì.
.
Ở đâu thì sao không biết, chứ ở quê tôi, mấy tháng gần đây người dân phải cắn răng buộc bụng, ăn uống thật sự dè xẻn và kham khổ bởi cơn bão giá liên tục lộng hành.
.
Trước Tết đã đành, cứ tưởng sau Tết sẽ đỡ hơn. Vậy mà, ai dè, đến nữa tháng giêng rồi, giá lương thực thực phẩm thiết yếu vẫn ngất ngưỡng trên cao.
.
Sau mấy ngày Tết phải ăn thịt heo muối, thịt heo lạnh, ai cũng háo hức ra chợ mua ít thịt heo tươi về ăn. Nhưng thử hỏi với 80.000đ / 1 kg thịt thì dân nghèo quê tôi ai dám ăn cơ chứ. Chỉ cần ½ ký thôi cũng hết cả tiền công một ngày làm thuê quần quật đầu tắt mặt tối chứ chẳng chơi.
.
Không những thịt heo mà các thứ khác đều tăng giá đột biến. Đậu tây từ 6000đ lên 12.000đ một ký. Thịt gà từ 70.000đ lên 120.000đ một ký. Đậu phộng 500đ lên 1.200đ một lát. Cá đồng từ 23.000đ lên 45.000đ… Một con cá ngừ bé tèo teo cũng lên đến 12.000đ. Ngay đến mì ăn liền cũng tăng vài ngàn đồng một két.
.
Dân quê tôi đa số làm nông, cày thuê cuốc mướn, mỗi ngày vất vả lắm mới kiếm được vài chục ngàn đồng. Với giá cả leo thang vùn vụt như vậy thì làm sao họ đủ điều kiện để trang trải cuộc sống gia đình một cách tối thiểu nhất cơ chứ?
.
Như nhà ông trưởng thôn chẳng hạn, nhà bốn miệng ăn, nhưng bữa ăn nào cũng thấy mâm cơm vỏn vẹn hai quả trứng gà luộc bỏ mắm. “Vợ chồng tui thì reng cũng được, chỉ tội thằng nhỏ, đang tuổi en tuổi lớn mà phải en khổ sở như ri thì học hành làm reng vô nổi đây”, nhìn mâm cơm sơ sài giọng ông như nghe nghèn nghẹn hơn. Không biết vì cơm khô, gạo cứng muối mặn hay vì một cái gì khác đang đè nặng lên cuộc sống của những người nông dân bần hàn, cực khổ như ông?
.
Bất chợt nhớ lại bài báo vừa đọc sáng nay, năm 2007 Việt Nam tăng trưởng hơn 8% nhưng đồng thời cũng lạm phát 12,36%. Hai con số này nói lên điều gì chứ? Nếu hiểu nôm na, đơn giản như người nông dân chất phát, bộc trực thì so với năm Bính Tuất thì năm Đinh Hợi này người dân làm dôi thêm 8 đồng, nhưng phải bỏ ra hơn 12 đồng lo cho cuộc sống so với năm trước đó.
.
Vậy 8% và 12,36% là con số vui hay buồn, mừng hay lo.
.
Nếu mừng thì không biết ai sẽ mừng?
.
Nhưng chắc chắn một điều, nỗi lo đau đáu vẫn đeo bám dai dẳng với người nông dân. Và người trưởng thôn nọ bao giờ mới thôi nói giọng nghèn nghẹn như thể sự tủi thân, niềm lo lắng và bất lực quyện thành một cục uất ứ nơi cổ họng.
|
6 góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trang chủ