Trước hết, đàn ông là kẻ mày râu. Nói chữ thì đó là hạng “tu mi nam tử” Mày râu là trời sinh ra thế. Nhưng đó là cái phần tự nhiên. Còn cái phần xã hội thì mày râu lại liên quan đến chuyện luân lý đạo đức.
Ca dao xưa có câu: “Đàn ông không râu bất nghì”. “Nghì” là đọc chệch của “nghĩa” theo luật ép vần trong thơ. Cha ông xưa xem tướng đàn ông, đàn bà theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong”. Đàn ông không râu là bất nghĩa, cũng như “đàn bà không vú lấy gì nuôi con”. Thế nghĩa là có râu mới là đàn ông thứ thiệt, giống như phụ nữ với thiên chức sinh con, nuôi con thì không thể thiếu hai bầu sữa thiêng liêng tinh khiết mà tạo hoá ban tặng.
Đàn ông là phái mạnh. Trước tiên cũng là nói cái mạnh cơ bắp, cái mạnh thế lực. Cấu tạo cơ thể người nam vốn dĩ do tạo hoá đất mà ra như vậy. Để phái nữ được bị coi là phái yếu. Nhưng đàn ông chỉ là đàn ông khi cái mạnh được tôn lên bên cái đẹp, tức là nửa dương phải có nửa âm mới trọn vẹn hoàn chỉnh. Cứng cáp so với nhẹ nhàng, mạnh mẽ so với dịu dàng. Nếu không, phái mạnh hoá ra là “vũ phu”. Nữ sĩ Xuân Quỳnh từng có một bài thơ hay về phái yếu, nói là yếu nhưng thực ra là mạnh đấy, vì “nếu sáng này em chẳng đong được gạo, chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn”. Nhưng cuối cùng trái tim nhà thơ đầy đa cảm thương yêu này vẫn nhìn ra một biện chứng cuộc sống của con người: “Thú thực là chúng tôi cũng không sống được, nếu không có các anh thế giới chỉ là đàn bà”.
Đàn ông là nhẹ dạ, cả tin là duy mĩ. Mặc dù họ được coi là thiên về duy lý. Vườn Eden vì vậy không còn là chốn thiên đường cho Adam. Bao quốc gia bại vong vì “nhan sắc khuynh thành” của những mỹ nhân. Những người đàn ông là các bậc vua chúa, các tướng soái, tư lệnh các doanh nhân, kỹ nghệ gia, họ cai quản cả thế giới nhưng lắm khi họ lại ngờ ngệch, ngây thơ như trẻ nhỏ. Nhân loại vì thế mà đau khổ nhiều hơn, hạnh phúc cũng nhiều hơn. Oscar Wilde có một nhận xét hay: “ Không bao giờ có thể tước được khí giới của phụ nữ bằng lời khen nhưng với đàn ông thì bao giờ cũng có thể”.
Đàn ông là điên rồ. Hình như trong mỗi họ đều có cái chất điên điên của Đôn Kihôtê mà nhân loại vừa kỷ niệm 400 năm lão ra đời ở xứ sở đấu bò tót. Phụ nữ chẳng bao giờ nhìn cối xay gió thành tên khổng lồ như đàn ông. Nhìn ra thế, rồi lao vào đánh nhau đến bươu đầu sứt trán mà vẫn mê không tỉnh. Nhưng nếu không thế, đàn ông hình như lại không phải đàn ông. Điên rồ và đàn ông tích hợp trong mình hai mâu thuẫn thống nhất ấy. Những thói tật xấu của đàn ông là từ đó mà ra. Cô đơn với đàn ông là một thứ xa xỉ.
Đàn ông là Man và Homme. Viết hoa, đàn ông như vậy là Con Người, là loài người chẳng biết ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp ra, còn thứ tiếng nào khác đánh đồng hai khái niệm này trong ngôn ngữ nữa không. Đây là vết tích của chế độ phụ quyền chăng? Kể ra như thế cũng là gánh nặng cho đàn ông khi họ phải mang vác trên vai mình một sứ mệnh của giống loài.
Đàn ông là… là gì nữa đây? Đàn ông là không phải đàn bà, là hoà hợp với đàn bà. Nếu không có đàn bà, cũng chẳng có đàn ông. Vật tương khắc tương sinh, người tương sinh tương khắc.
Rốt lại, đàn ông là… đàn ông. Có thể không mày râu, có thể không mạnh khoẻ, có thể không điên rồ, nhưng có cốt cách đàn ông, có tình cảm đàn ông, là đàn ông. Vậy thôi.
|
0 Góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trở về