Lâu lâu không “rửa mặt” cho đôi giày, chỉ lau qua loa rồi lại xỏ vào đi làm. Nhìn xuống thấy tội quá, ghé qua chỗ Bác sửa giày tí vậy! Bụng bảo dạ, thế là phi thẳng đến chỗ quen. Chỉ thấy mỗi chị người Hoa bán dép ngồi đó, hỏi thăm thì chị bảo: “Ông ấy phải một lúc nữa mới qua...Hề hề...”. Chị cười tít mắt một cách thân thiện. Chả là cũng quen nhau cả, dù gì thì cũng lần thứ 4 mình đến đây và lần thứ 4 gặp chị. Thôi thì phát bệnh “8” một tí để giết thời gian!
- Nhà chị ở gần đây không ạ?
- Cũng gần, ngay phía sau khu nhà tập thể bên đường Trần Phú đó!
- Dạ, chị bán thế này có đắt hàng không?
- Ôi, oải lắm, hôm nào bán được thì khoảng 3 – 4 đôi, không thì ngồi chán rồi về, chẳng bán được gì...
- Như vậy thì lãi được bao nhiêu hả chị?
- Khoảng 5000 – 7000đ, đủ tô hủ tiếu, mỗi đôi chỉ lãi được 3000 là nhiều...Hìhì...Chị cười thoải mái.
- Các cháu nhà chị học lớp mấy rồi?
- Con ấy hả? Không có! Không thích! Sống một mình sướng hơn!
- Vậy...chị chưa lấy chồng ạ?
- Rồi, nhưng ông chồng ổng cũng không thích con, không thích ràng buộc, mạnh ai nấy lo, rảnh nợ!
- Em thì nghĩ có con sẽ vui cửa vui nhà, gắn kết tình cảm vợ chồng hơn khiến cho gia đình ấm cúng và hạnh phúc hơn...
- Không thích! Chỉ thích nuôi...chó thôi, nhà tôi nuôi cả đàn chó, 6 con lận, vui lắm! Chị lại cười hềnh hệch...
Có khách ghé vào xem dép, xỏ đi xỏ lại, thử chán chê rồi bỏ đi, không cả một câu hỏi! “Vô duyên thế chứ!” - Chị lẩm bẩm.
- Sao Bác lâu đến thế chị nhỉ? - Thắc mắc để phá tan cái không khí ảm đạm của chiếu hàng ế.
- Khoảng hơn 7 giờ tối cơ, cứ nhìn về hướng cầu kia, bao giờ thấy cái đầu xe đạp mà có treo cái ghế nhựa đỏ thì là Bác ấy tới!
- Nhà Bác ấy xa đây không chị?
- Bên chân cầu Chánh Hưng ấy, ở một mình, ngày thì sửa dép ở chợ, tối thì qua đây, tối qua ngồi cả buổi mà chẳng có khách nào nên chán, cứ ngáp hoài à...
Im lặng...Kinh nghiệm dạy cho mình là không nên đi sâu vào cuộc sống của những số phận không may mắn như thế, họ sẽ không hiểu rằng đó là sự chia sẻ về mặt tinh thần mà họ sẽ cho rằng mình tò mò! Âu cũng là một số phận, một kiếp người...Nhìn sang bên cạnh, hai chị em cô bé bán hàng (cũng dép, guốc) đang dựa vào nhau, lờ đờ, không có chút sức sống nào. Đoạn cô chị nhỏm dậy, lôi trong bịch túi ra một gói gì đó và vặn ngéo một cái, cho đến lúc họ ăn mới biết là...xôi!
- Kia, Bác ấy tới rồi kìa! - Chị người Hoa nói như reo lên!
(Ảnh này mượn...vắng mặt của ai đó trên Internet làm minh họa!)
Đúng là Bác thật, vẫn cái áo màu cháo lòng nhàu nát rách lỗ chỗ, vẫn cái quần nhăn tít dính bê bết vết bụi bẩn các loại, dáng người gầy nhỏ, một cách vất vả bác đang cố đẩy cái xe cồng kềnh toàn đồ lỉnh kỉnh qua đường, qua dòng xe lao vèo vèo vù vù, ngoằn ngèo, lạng lách...Chị người Hoa vội đứng lên đỡ xe cho Bác, rồi giúp Bác tháo đồ nghề xuống, miệng tươi cười: “Hôm nay ra muộn thế, cô khách này chờ lâu lắm rồi đó!”. Tự nhiên thấy mình ngồi không thật thừa thãi, cũng đứng lên nhưng lại lóng ngóng, không biết giúp việc gì...Nhanh như cắt, chị người Hoa đẩy cái xe cũ nát méo mó vào góc tường rồi sụp xuống sắp xếp các món đồ đâu ra đó thoăn thoắt như thể đã quá quen thuộc. Bác bắt đầu cầm cái bàn chải quẹt xi, phết lên mũi giày, động tác thuần thục, nhanh nhẹn. Im lặng. Thi thoảng chị người Hoa nói với Bác một câu tiếng Quảng, chợt chị chỉ tay vào mình và nói: “Cô này cũng biết tiếng phổ thông đó!”. Gương mặt Bác thoáng giãn ra...Thế là hai bác cháu đối thoại với nhau mấy câu bằng tiếng Trung, chị người Hoa ngồi nghe, cười tít mắt...
Ai đó xách một cái bịch đến, họ lại nói với nhau bằng tiếng Quảng, thì ra người ta cho Bác ít cơm dư...Chẳng hơi đâu phải giấu giếm thắc mắc, quay qua hỏi chị người Hoa xem Bác lấy về làm gì thì chị thản nhiên: “Bác lấy về để ăn!”. Thấy đôi mắt tròn lên ngơ ngác thì chị nhấn mạnh: “Để ăn ấy!”. Lòng bỗng trùng xuống và cảm giác hơi tức ngực...Chợt rủa thầm sao mà mình vô tâm thế, tệ thật! Lần thứ 4 đến đây mới biết được hoàn cảnh của Bác, của chị...Cái đoạn vỉa hè ngắn toằn này thôi thế mà đêm nào nó cũng được ưu ái sử dụng làm nơi kiếm ăn của biết bao con người nghèo khổ chân chính...Im lặng cho đến khi đôi giày được Bác đánh bóng loáng, xong! Cảm ơn Bác và trả tiền. Bác lục túi tìm chút tiền lẻ để thối lại. “Dạ thôi Bác ạ, để lần sau con lại đến!”. Bác hơi ngẩn ra một chút rồi vừa móm mém cười, vừa nói với theo câu cảm ơn bằng tiếng Trung. Lòng rộn nên một cách ấm áp...
Mỗi người một hoàn cảnh và một số phận, sướng khổ đủ cả. Quan trọng là phải biết tận hưởng cuộc sống của mình sao cho thật ý nghĩa, mỗi ngày!
9 Góp ý:
Have a nice weekend!
5 THÀNH CỦ CHI
Đôi khi trên đường đời, chợt ta dừng lại, ta nhìn xung quanh, ta ngắm những con người gian khổ với ánh mắt tình thương. Điều đó làm tim ta thổn thưởng hơn và lòng ta rộng mở nhiều.
Phải không chị cảnh sát ơi!
Cảm ơn em!
Câu này của chị cũng rất "đắt"....hi`...
Happy day....ok..?
Gởi góp ý mới
<< Trở về