Nếu là Jose Mourinho, Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger, có lẽ họ sẽ chọn 1 cái áo mưa và để đầu trần chỉ đạo các học trò, đó là hành động thể hiện họ là những người dám làm, dám chịu, 1 vị HLV sẵn sàng đối diện với cả những thực tế phũ phàng nhất. Nhưng đối với McClaren, khi không thể chui vào1 cái toilet nào đó, ông chọn 1 cái ô sặc sỡ và đứng ru rú 1 góc trên sân Wembley. McClaren là như vậy và đương nhiên ĐT Anh cũng chỉ bạc nhược giống ông thầy của mình.
Trông McClaren cứ như 1 anh hề chứ không có dáng vẻ gì chứng minh ông đang là HLV trưởng của 1 dàn sao, không cần so sánh đâu xa, ngay như Slaven Bilic - người đồng nghiệp của McClaren bên kia chiến tuyến, ông ta đâu cần 1 cái gì để che chắn cơn mưa nước Anh, Bilic vẫn hiên ngang đứng giữa Wembley trong khi nhìn về McClaren, mặc dù đang ở nhà nhưng trông ông có vẻ gì đó xa lạ quá. Phải chăng ông đang muốn gây chú ý – kìa McClaren, ông ta đang đứng kia với 1 chiếc ô trên đầu?
Trở lại với diễn biến trận đấu, Campbell và Lescott là 2 cái tên được McClaren lựa chọn để thay thế Terry và Ferdinand, ở 2 bên cánh, Wayne Bridge thay thế Ashley Cole còn Richards đảm đương trọng trách của Gary Neville. Trên hàng công, McClaren chỉ cắm duy nhất Crouch đá cao nhất, hỗ trợ cho anh là bộ ngũ tiền vệ Wright-Phillips, Gerrard, Barry, Lampard và Joe Cole.
Với sự bố trí thế này, có lẽ McClaren không muốn sử dụng bài tạt cánh đánh đầu truyền thống, nhưng cũng không rõ là ông thầy bất tài này muốn các học trò đá theo kiểu nào.
Trái với dự đoán của người hâm mộ, Croatia không dễ dàng buông xuôi dù rằng họ đã có vé đi tiếp, toàn bộ các cầu thủ và kể cả các CĐV của đội khách đều thể hiện quyết tâm hạ nhục ĐT Anh ngay tại thánh địa Wembley. Về phía đội chủ nhà Anh, có lẽ vẫn còn đang mơ màng sau thắng lợi của Israel, 11 cái bóng áo trắng di chuyển trên sân như buồn ngủ, đặc biệt là hàng hậu vệ.
Bàn thua đầu tiên của ĐT Anh nhìn bề ngoài có thể dễ dàng phán xét sai lầm hoàn toàn thuộc về thủ thành Carson, nhưng nếu nhìn tổng thể đường lên bóng của Croatia chúng ta có thể nhận ra các cầu thủ Anh đã chơi rất thiếu quyết liệt trong tình huống này, không ai băng lên đón lõng pha thoát xuống của Niko Kranjcar và hậu quả là họ phải trả giá. Tuy nhiên nguyên nhân chính dẫn đến bàn thua này vẫn phải nói đến pha bắt bóng không thể ngớ ngẩn hơn của Scott Carson – 1 pha cản phá thể hiện rõ rằng, thủ thành này đang “cóng”.
Nếu như hàng thủ ĐT Anh có thể quy hoàn toàn trách nhiệm về bàn thua đầu tiên cho Carson thì đến bàn thua thứ 2 đúng 6 phút sau đó, có lẽ các hậu vệ tuyển Anh không thể tránh khỏi những lời trách móc. Không hiểu Campbell và Lescott nghĩ gì mà họ để cầu thủ Croatia đi bóng thoải mái đến vậy, còn Wayne Bridge nữa, tôi cũng chả hiểu anh ta nghĩ gì mà lại bất ngờ băng về dốt nát đến thế, Bridge thừa trình độ để nhận ra cầu thủ Croatia có cánh cũng không thể thoát khỏi sự truy cản của 2 trung vệ to khoẻ và nếu anh ta chuyền bóng thì chắc chắn đồng đội của anh ta sẽ rơi vào thế việt vị.
Hậu vệ đang ngồi nát đũng quần trên băng ghế dự bị của Chelsea chắc chắn không thể ngờ rằng, sự thiếu kinh nghiệm của anh vô hình chung đã làm nỗ lực bẫy việt vị của đồng đội trở nên vô nghĩa bằng 1 pha băng về vô nghĩa không kém, mà trong bóng đá chuyên nghiệp, chỉ cần 1 sai lầm như vậy là cái giá phải trả cũng vô cùng chua chát.
2-0, 14 phút thi đấu - điều gì đang xảy ra tại Wembley đây?
Tôi thực sự không muốn nhớ về cái quãng thời gian bế tắc sau đó của hàng công ĐT Anh, tôi càng không muốn nhớ về hình ảnh McClaren vẫn cái góc sân đó, vẫn 1 cái ô sặc sỡ trên đầu và vẫn khuôn mặt bế tắc đó. Tôi ghét phải nhìn thấy sự bất lực của tuyển Anh và càng ghét hơn sự thụ động của McClaren.
Bước sang hiệp 2, khi mà David Beckham vào sân, tôi đã cảm thấy khả năng đi tiếp của Anh sáng hơn đôi chút. Becks là cầu thủ của những trận đấu lớn, anh chính là người hùng sút tung lưới Hi Lạp, mang về thắng lợi giúp tuyển Anh có mặt tại World cup và hôm nay, ít nhiều CĐV hi vọng lại chính là cái tên bị bỏ rơi này toả sáng.
Tuy nhiên trước khi Becks chói sáng với cú tạt bóng như đặt giúp Crouch đưa Tam sư đủ điều kiện tới Áo - Thụy Sĩ, người Anh có lẽ cần phải đồng thanh nói 1 lời cảm ơn với trọng tài Peter Frojdfeldt khi ông vua áo đen người Thụy Điển này cho đội chủ nhà hưởng 1 quả penalty gây tranh cãi. Có lẽ rất ít trọng tài thổi phạt đền trong tình huống này nhưng may mắn cho ĐT Anh khi Peter Frojdfeldt lại nằm trong số ít đó.
Thần may mắn đã mỉm cười với tuyển Anh chăng? Liệu có thêm 1 lần nữa ĐT Anh chết đi sống lại?
Rất tiếc là khả năng đó đã không xảy ra, sau khi có được 2 bàn thắng gỡ hoà, ĐT Anh chơi chùng xuống 1 cách thiếu kinh nghiệm, nhìn điệu bộ hốt hoảng xen lẫn lo âu của McClaren và các đồng sự trên băng ghế chỉ đạo khi liên tục vẫy các cầu thủ phải dồn xuống tôi cảm thấy ngao ngán.
Anh không thể chơi kiểu “ăn non” như vậy, họ không có những cầu thủ phòng ngự tỉnh táo như Italia để làm được điều đó, nếu là đoàn quân thiên thanh của Donadoni, tôi có thể tạm yên tâm vì phòng ngự vốn là bản năng của người Italia, tuy nhiên đối với tuyển Anh, đối với những trung vệ già cỗi như Campbell, thiếu kinh nghiệm như Lescott, yếu kém như Bridge… tôi không tin Anh bảo toàn được tỉ số 2-2 mong manh.
Và quả thực cơn ác mộng đã tới, cú sút xa tuyệt vời của Mladen Petric chính là cái tát định mệnh khiến người Anh tỉnh ngộ. Họ bàng hoàng nhận ra rằng, chỉ còn chưa đầy 15 phút nữa là đến giờ phán quyết, đã không còn cơ hội để ĐT Anh làm lại nếu không có thêm ít nhất 1 bàn thắng nữa. Thời gian cứ trôi dần về những phút cuối trong sự nặng nề, mệt nhọc của các cầu thủ, 11 cái áo trắng đã lấm lem bùn đất cứ lao như con thiêu thân lên trên mà không biết mình sẽ phải làm cách nào để chọc thủng lưới đối thủ.
Vô vọng!
Vậy là đã hết, người Anh chính thức nói lời chia tay với Euro 2008, lứa cầu thủ hiện tại của họ không biết đến bao giờ mới có cơ hội chuộc lỗi với người hâm mộ nước nhà. 1 nỗi buồn không thể miêu tả thành lời bao trùm cả nước Anh, bản thân tôi cũng buồn khi Anh bị loại.
Becks đã gần như không còn cơ hội chạm tới mốc 100 của mình nữa, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim người hâm mộ, anh vẫn là 1 tượng đài của bóng đá nước nhà. Kẻ bị McClaren ruồng rẫy suýt chút nữa đã cứu cả nước Anh nếu ông thuyền trưởng bất tài kia thông minh hơn 1 chút.
Còn McClaren, lời nào dành cho ông lúc này đây? Cái ô lố bịch kia không thể mãi che đi lỗi lầm của ông, FA cũng không thể bảo vệ ông trước sự phẫn nộ của người hâm mộ nước nhà. 5 năm làm việc tại Boro, 13 năm thi đấu cho những đội bóng chả ai biết tới - những thành tích này quá nhỏ bé so với những gì ông phải làm tại ĐT Anh, chiếc ghế huấn luyện Tam sư quá lớn để 1 bộ óc như ông điều khiển.
Sven Goran Eriksson ít nhất còn đưa người Anh vào tứ kết World cup, còn ông, ngay đến chiếc vé vào chơi VCK Euro cũng không thể đạt được. Liệu ông còn mặt mũi nào khoác lác trước báo giới? ĐT Anh đã có may mắn nhưng những gì ông làm khiến đến cả thần may mắn cũng phải ngán ngẩm. Đừng ám ĐT Anh nữa, đi đi McClaren!
|
2 Góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trở về