|
MỘT GIA ĐÌNH NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM
BIẾT VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di hại của nó vẫn còn hiện hữu ở khắp nơi và để lại nỗi đau cho nhiều thế hệ. Trên địa bàn Thành phố Vĩnh Yên-Tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay vẫn còn không ít nạn nhân chất độc da cam. Họ và gia đình đang từng ngày vừa phải chống chọi với bệnh tật vừa phải lo mưu sinh. Có nhiều gia đình được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cộng với sự nỗ lực của bản thân đã biết vượt khó vươn lên. Gia đình anh Nguyễn Đình Bích, khu 4 phường Đống Đa đã biết vượt qua những nỗi đau da cam để vươn lên.
Sinh năm 1955, đến năm 1974, khi mới vừa tròn 19 tuổi, đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc anh Nguyễn Đình Bích đã xung phong đi bộ đội và được điều vào trung đoàn 148 sư 320. Trung đoàn có nhiệm vụ đánh từ Tây Nguyên trở vào Sài Gòn. Trong một lần tham gia phục vụ chiến đấu ở khu Đồng Dù-Củ Chi, anh đã bị thương và phải cắt một nửa chân từ đầu gối trở xuống. Đến năm 1977, anh được xuất ngũ; năm 1984 anh lập gia đình và đến năm 1986, trong niềm vui khấp khởi của một người bị thương tật nặng, chỉ còn một chân sắp được làm cha, anh nhận được tin dữ. Đứa con gái đầu lòng của anh, cháu Nguyễn Thị Trang không được như những đứa trẻ bình thường khác. Cháu bị nhiễm chất độc da cam, một hệ quả của những tháng ngày anh cùng đồng đội tham gia phục vụ và trực tiếp chống Mỹ cứu nước. Thất vọng vô cùng, nhưng anh vẫn động viên vợ rằng mình vẫn còn cơ hội và một mặt tiếp tục nuôi cháu đồng thời nuôi hi vọng về một tương lai sáng sủa hơn. Thời gian sau đó, 2 vợ chồng sinh thêm 2 cháu nữa nhưng lần lượt cả 2 cháu đều không phát triển bình thường như những trẻ khác tuy có nhẹ hơn người chị của mình. Nói về cháu Nguyễn Thị Trang; mặc dù đã 21 tuổi nhưng từ khi sinh ra đến nay, chất độc quái ác trong cháu đã biến cháu thành một người hoàn toàn không có khả năng nhận thức được xung quanh, không đi đứng được và không nói được, vớ được bất cứ cái gì cháu cũng đem bỏ vào miệng. Anh Bích kể, có lần cháu vô tình vớ được chiếc chăn, cháu cũng...ăn sạch. Rồi cháu gặm giừơng, chiếu, cũi...Nhìn cháu như vậy thật không khỏi xót xa.
Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn do vợ chồng anh không có công ăn việc làm ổn định, không có tay nghề. Chị Nguyễn Thị Thoa, vợ anh hàng ngày phải tần tảo làm thuê, kéo xe kiếm chút tiền lo cơm lo gạo. Còn anh với thương tật như vậy việc đi lại đã là khó khăn, chưa nói đến làm việc kiếm tiền. Anh đã mở một quán nhỏ sửa xe đạp ở góc chợ Vĩnh Yên; hàng ngày cặm cụi kiếm chút tiền lẻ từ việc sửa xe. Hiện nay anh vẫn chưa được công nhận là thương binh do đó không được nhận các sự ưu đãi như các gia đình thuộc diện chế độ chính sách.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình anh, năm 2000 Hội CTĐ thị xã Vĩnh Yên (nay là Hội CTĐ Thành phố Vĩnh Yên) hỗ trợ tặng 2 triệu đồng cho gia đình để làm ăn, phát triển kinh tế. Gia đình đã đầu tư làm một sạp hàng nhỏ bán hoa quả tại chợ Vĩnh Yên. Nhờ vậy cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Rồi đến năm 2005, Hội CTĐ thị xã Vĩnh Yên đã hỗ trợ cho gia đình anh vay 3 triệu đồng để tăng thêm vốn làm ăn; bản thân anh Nguyễn Đình Bích qua đề nghị của Hội CTĐ thị xã đã được một tổ chức nhân đạo nước ngoài tặng một chân giả do đó việc đi lại đã được cải thiện nhiều. Con trai thứ 2 của gia đình cũng đã có thể tự đi làm trong một cơ sở sản xuất đậu phụ tư nhân trên địa bàn phường Đống Đa. Hàng tháng được trả 500 ngàn đồng.
Với số tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt của cả gia đình cộng với khoản trợ cấp hàng tháng của cả anh Nguyễn Đình Bích, và cháu Nguyễn Thị Trang, tình yêu thương đùm bọc của anh em, họ hàng, hàng xóm, gia đình anh Nguyễn Đình Bích đã cơ bản vượt qua được khó khăn
Trường Sinh
javascript: copymetasearch(82567);
|
0 Góp ý:
» Để gởi góp ý mới, bạn cần đăng ký 1 tài khoản tại đây !
<< Trở về