Vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt bị thay thế!
Điểm Ngôi sao Blog: 12 (2 lượt) |
|
Vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt bị thay thế
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng và chiếc mũ mấn. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trong đêm chung kết, chiếc vương miện Ngô Phương Lan đội phút đăng quang không phải của Sỹ Hoàng thiết kế riêng như thông báo ban đầu của Ban tổ chức. Nhà tạo mẫu cho biết, Ban tổ chức đã mua vương miện mới ở chợ Bến Thành.
Tại buổi họp báo giới thiệu cuộc thi, Ban tổ chức và đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, phần công phu nhất của đêm chung kết chính là phần choàng áo hoàng bào cho hoa hậu. Cùng với chiếc áo choàng lộng lẫy là vương miện hình chiếc mấn kiểu xưa của Nam Phương Hoàng hậu do trưởng ban tổ chức trao. Cả hai vật thức này đều do nhà thiết kế Sỹ Hoàng thực hiện.
Khi nhận được đề nghị này, nhà thiết kế Sỹ Hoàng dự định làm chiếc vương miện có giá trị để trao luân lưu qua cuộc thi các năm. Phần khăn vấn chung quanh làm bằng patin có đính kim cương trị giá trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, Ban tổ chức không chấp nhận phương án này vì giá thành quá cao. Cuối cùng, hai bên thống nhất thiết kế cả áo và vương miện trị giá khoảng 64 triệu đồng (vương miện 28 triệu đồng và áo hoàng bào 36 triệu đồng). Trong đó toàn bộ hột xoàn Mỹ đính trên áo như dự kiến thay bằng pha lê màu vàng. Hoàng bào bằng gấm vàng, đuôi dài 2,5 m, đính trên 2.000 viên đá pha lê, vương miện bằng gấm vàng được cẩn hơn 1.000 viên pha lê.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã mất 3 ngày thực hiện liên tục với 10 cộng sự. Ngày 27/8, anh nhận được phản hồi từ Ban tổ chức cho biết chỉ đồng ý thuê hoàng bào và vương miện với giá 1.000 USD để làm thủ tục đăng quang cho hoa hậu (thay vì trao đứt như các cuộc thi khác). Tuy rất bức xúc nhưng Sỹ Hoàng vẫn lặng im và đến dự đêm chung kết tối 2/9. Thế nhưng, khi phần khai mạc của đêm thi diễn ra chưa bao lâu thì anh nhận được giấy viết tay của Trưởng ban tổ chức thông báo sẽ không dùng chiếc khăn vấn của Sỹ Hoàng mà dùng vương miện do Ban tổ chức đã chuẩn bị.
“Tôi cảm giác mình bị xúc phạm khi nghe một nhân viên thuộc Ban tổ chức nói rằng đây là vương miện được mua ở chợ Bến Thành”, Sỹ Hoàng nói.
Theo giải thích của ông Dương Xuân Nam, Trưởng ban tổ chức, từ trước đến nay trong các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Ban tổ chức đều trao vương miện cho hoa hậu như cách làm thông lệ của thế giới. Do đó, Ban tổ chức quyết định sẽ sử dụng vương miện để trao cho hoa hậu chứ không sử dụng “mũ” như thiết kế của Sỹ Hoàng. Hơn nữa, lâu nay, các cuộc thi hoa hậu trong nước đều trao đứt cho hoa hậu vương miện như một kỷ niệm về tinh thần. Do đó, Ban tổ chức quyết định không thuê vương miện mà mua một cái khác cho Hoa hậu đăng quang. Về những bức xúc của Sỹ Hoàng, ông Nam từ chối đưa ra ý kiến.
“Ban tổ chức chỉ làm việc với một đầu mối là đạo diễn Phạm Hoàng Nam chứ không có hợp đồng nào với Sỹ Hoàng”, ông Nam nói.
Hoa hậu Ngô Phương Lan đội chiếc vương miện kiểu Tây. Ảnh: Nguyễn Minh. |
Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, anh đã nhận được lời mời thiết kế từ Ban tổ chức, tuy không làm thành văn bản nhưng đã trao đổi thông qua đạo diễn, cũng như các thành viên trong Ban tổ chức trong suốt quá trình làm việc. Vì đã nhiều lần cộng tác với Phạm Hoàng Nam nên anh không yêu cầu Ban tổ chức và đạo diễn ký hợp đồng.
“Thực ra cũng đã có một hợp đồng do tôi soạn thảo và gửi cho Ban tổ chức để báo giá là 100 triệu đồng (Ban tổ chức không hồi đáp). Sau đó đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã nói lại với tôi là Ban tổ chức không đồng ý giá cao như vậy mà đề nghị giảm xuống còn 64 triệu đồng. Vì vậy không thể nói Ban tổ chức không biết và không đặt hàng chiếc áo và vương miện trên được”, Sỹ Hoàng bức xúc.
Cũng theo Sỹ Hoàng, nếu không vì tôn trọng nhau và không phải vì hợp đồng thì anh hoàn toàn có thể rút lui ngay trước giờ đăng quang của Hoa hậu Ngô Phương Lan: “Và chắc chắn lúc đó sẽ không có phần trao áo hoàng bào cho Hoa hậu như đêm chung kết".
Mặc dù áo hoàng bào danh nghĩa là thuê nhưng nhà thiết kế Sỹ Hoàng khẳng định, với tư cách cá nhân, anh tặng luôn cho Hoa hậu Ngô Phương Lan để thực hiện đấu giá trong hoạt động từ thiện.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: "Ban tổ chức cần tôn trọng nghệ sĩ" Đến áp giờ mở màn, chúng tôi mới nhận được một cái lệnh viết tay từ Ban tổ chức. Điều đó là không thể được. Các nghệ sĩ cần được tôn trọng, vậy mà trong khi đó cả tôi và anh Sỹ Hoàng đều không hề được biết trước về sự thay đổi này. Cái vương miện Tây cũng chẳng ăn nhập gì với không khí, trang phục và thiết kế sân khấu theo kiểu cung đình Huế mà tôi đã dày công chuẩn bị. Có thể nói sự thay đổi đó đã phá vỡ kịch bản mà chúng tôi đã dàn dựng. Tôi thấy Ban tổ chức đã làm việc một cách không khoa học. Tôi thực sự muốn Ban tổ chức giải thích và xin lỗi anh Sỹ Hoàng vì cách ứng xử như vậy là không thể chấp nhận được. Còn tôi, tôi muốn quên chuyện này đi thật nhanh để làm công việc khác. Bởi có rất nhiều điều cũng rắc rối như chuyện vương miện, nhưng nó không hiện ra, nên tôi cũng không muốn nói gì thêm. Luật sư Phạm Quốc Hưng: "Cuộc thi cũng là một hợp đồng hứa thưởng" Theo quy định của Ban tổ chức, giải thưởng dành cho Hoa hậu thế giới người Việt 2007 gồm: vương miện và vương trượng, tiền thưởng (20.000 USD) và một chuyến du lịch. Tuy nhiên, phần áo hoàng bào không đưa vào thể lệ cuộc thi vì nó phát sinh trong phần kịch bản của đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã thống nhất với Ban tổ chức. Theo luật sư Phạm Quốc Hưng, thực chất cuộc thi cũng là một hợp đồng hứa thưởng. Do đó, khi trúng thưởng thì các giải thưởng đã hứa thuộc sở hữu của thí sinh. Riêng chiếc áo hoàng bào tuy không đưa vào quy chế nhưng Ban tổ chức đã trao trong đêm chung kết thì có thể hiểu đó là tài sản Ban tổ chức mặc nhiên trao cho người trúng giải. Luật sư Hưng cũng lưu ý, giữa Ban tổ chức với nhà thiết kế Sỹ Hoàng có ràng buộc thông qua đạo diễn. Bản thân việc trao đổi qua lại chứng tỏ Ban tổ chức có sự thỏa thuận. Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Không nhất thiết hoa hậu phải đội vương miện". Thực ra vương miện mới du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Không nhất thiết cứ phải bắt chước theo phương Tây - hoa hậu phải đội vương miện. Việc đổi mới dựa trên nền truyền thống rất đáng được tôn trọng và cổ vũ. Áo hoàng bào trong một nghi thức truyền thống của lễ đăng quang kiểu hoàng hậu đội khăn vấn thì lễ đăng quang sẽ càng đậm nét văn hóa Việt Nam. |
(Tin từ VnExpress)
2 Góp ý:
"Không nhất thiết hoa hậu phải đội vương miện".
Hum trước mình có nghe một người "cảm thán" rằng "hoa hậu ko đội vương miện, chứ đội cái gì? Chẳng lẽ đội nồi cơm điện?"
việc làm của nhà thiết kế sỹ hoàng là tặng luôn áo hoàng bào cho hoa hậu đẻ bán đấu giá làm từ thiện
chứng tỏ một nhà từ thiện vĩ đại của việt nam và có một tấm lòng với nhiều hoàn cảnh cần giúp đở .
hoan hô nhà thiết kế sỹ hoàng
Gởi góp ý mới
<< Trở về