Bản tin ngày 17/08/2007

Điểm Ngôi sao Blog: 6 (1 lượt)
| Bình chọn:

Ngày 17/08/2007


Tấm biển giữa Bangkok

Tấm biển "nhắc nhở" ở Bangkok - Ảnh: Việt Phương

Ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) có một tấm biển rất lớn. Lớn như những biển quảng cáo ngoài trời và khiến ai cũng chú ý. Nhưng điều mà nó làm người Thái giật mình hơn cả là dòng chữ in trên đó: "Hôm qua, Việt Nam bắt đầu chập chững... Hôm nay, họ sẽ vượt lên chúng ta. Đừng đợi đến cái ngày ấy. Chung lòng hợp sức xây dựng nước Thái".

Tấm biển trên đặt ngay giao lộ Prachanukhun ở quận Chatuchak của Bangkok. Người Thái giật mình cũng phải. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và ngày càng thu hút được nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, Thái Lan vừa trải qua cuộc "cải cách chính trị" hồi tháng 9 năm ngoái và dường như tốc độ phát triển của nước này có phần chậm lại. Việt Nam cũng chẳng phải xa xôi gì với Thái Lan. Hai nước đều nằm ngay trong khu vực Đông Nam Á. Không cần biết bao lâu Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan nhưng người Thái cứ lo trước đã.

Thật vậy, người Thái nhắc đến Việt Nam nhiều trong thời gian gần đây. Một số tạp chí còn có các bài chuyên đề về Việt Nam mà gần đây nhất là tờ G-Mag dành hẳn 7 trang để nói về những thành tựu mà nước ta đạt được dưới nhan đề: Việt Nam trên đà phát triển. Ngoài trang bìa của tạp chí này là hình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nền cờ đỏ sao vàng nổi bật. Những người dân thường đôi khi cũng bàn tán về Việt Nam. Một ngày sau sự kiện 19.9.2006, tại ngôi đền Erawan ngay trung tâm Bangkok, một người đàn ông trung niên tâm sự: "Việt Nam ư? Chỉ 5 năm nữa thôi Việt Nam sẽ vượt lên Thái Lan". Tại một quán ăn bình dân khác gần Tượng đài Chiến thắng, một người phụ nữ nói: "5 năm nữa thôi, Thái Lan sẽ tụt lại sau Việt Nam. Việt Nam đang phát triển nhanh quá". Nhiều người dân Thái được hỏi về vấn đề này đều trả lời con số 5. Tại sao lại là 5 năm? 5 năm có phải là quá nhanh? Xin dẫn một ví dụ nho nhỏ: chỉ riêng về hệ thống cầu đường, giao thông và cơ sở hạ tầng thì xin đoan chắc trong vòng 5 năm Việt Nam chưa thể vượt qua Thái Lan. 10 năm chăng? Có thể. Nhưng người Thái đặt ra mốc 5 năm. Họ đã lo lắng từ bây giờ. Có lẽ họ đã thấm câu chuyện ngụ ngôn "Thỏ và rùa". Họ đã là thỏ. Cái lo lắng của họ hoàn toàn hợp lý. 

Tại sao người ta lại phát minh ra phương pháp phân tích SWOT? Tại sao SWOT lại được áp dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống và ngay cả bản thân mỗi người đến thế? SWOT có nghĩa là strengths (ưu điểm), weaknesses (nhược điểm), opportunities (cơ hội) và threats (nguy cơ). Người ta dùng SWOT để phân tích đặc điểm sản phẩm, công ty và thậm chí là bản thân trước khi lập một kế hoạch phù hợp cho tương lai. Ưu điểm và cơ hội thì dễ rồi, ai cũng có thể kể ra. Còn nhược điểm và nguy cơ? Liệu 2 yếu tố này có dễ đối mặt. Không ai hoàn hảo. Bởi vậy, ưu điểm luôn đi kèm với nhược điểm. Trong cơ hội luôn có nguy cơ rình rập. Nhược điểm và nguy cơ cũng cần được xác định rõ ràng không kém 2 yếu tố còn lại.

Người Nhật từng dạy học sinh rằng các em sinh ra trong một đất nước nghèo tài nguyên, một đất nước từng thua trận trong chiến tranh. Người Nhật đã nhận ra nhược điểm và nguy cơ của mình. Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, được thiên nhiên ưu đãi, chúng ta phải lo điều gì?

(Theo Thanh Niên)

Đấy, dân Thái mặc dù họ hơn ta về nhiều mặt (bóng đá, kinh tế) nhưng họ cũng đã phải dè chừng và có hướng đi mới để họ có thể....hơn ta dài dài, vậy tại sao chúng ta đc dự đoán sẽ hơn họ nhưng chỉ hơn sau....10, 20 năm nữa. trời đất, đến đc lúc đó ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, thiết nghĩ chúng ta cũng nên bắt chước người Thái mà làm một ít banner ở trung tâm Tp như thế này: "Người Thái họ đã hơn ta và có khả năng là hơn ta suốt đời, tại sao ta không thay đổi điều đó trong thời gian ngắn!" Chúng ta chưa đc là Rồng Châu Á nhưng ít nhất chúng ta cũng đã đc công nhận là một chú Hổ trẻ mà! Dũng mãnh, nhanh nhanh mà vượt qua người Thái và khẳng định mình trên trường quốc tế đi thôi!

Kiến Cóc

 


 

Ông già và bàn cờ toán 1 triệu USD

Ông Vũ Bẩy, một người làm nghề nặn tượng nhưng do ham vui nên đã trở thành cha đẻ của món cờ toán

TTCT - Cuối cùng, sản phẩm mang tên cờ toán của ông Vũ Bẩy ở khu Suối Hoa (P.Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng đã được Bộ VH-TT công nhận bản quyền tác giả.

Món cờ toán này kỳ thú tới mức ngay sau đó, có một chuyên gia về cờ ở Trung Quốc đã lặn lội tìm tới gặp ông để đòi mua lại bản quyền với cái giá 1 triệu USD.

Cách đây hơn 20 năm, ông Bẩy lóc cóc đạp xe từ Bắc Ninh về Ủy ban Khoa học nhà nước ở Hà Nội để trình làng một sản phẩm rất mới lạ gọi là “cờ toán”.

Thay vì tìm hiểu xem cái sản phẩm của ông như thế nào, nhiều cán bộ của ủy ban này lại xét nét hỏi ông rằng: “Ông có biết tiếng nước ngoài hay không? Đã đi nước ngoài lần nào chưa?”. Ông Bảy thản nhiên bảo: “Tôi chỉ được học hết lớp 7, chẳng biết nước ngoài thế nào”. Hóa ra, họ nghi ông “cuỗm” trí tuệ của người khác, của nước khác rồi về “cải biên” thành cờ toán.

“Đứa con” không được  thừa nhận

Họ nghi hoặc ông cũng có lý. Bởi vì theo tính toán, tổng số nước đi của cờ toán là lũy thừa của 87. Đó là một con số khổng lồ mà người chơi cờ không bao giờ có thể chơi hết những nước đi khác nhau như vậy. Ủy ban Khoa học nhà nước lúc ấy phải nhờ các chuyên gia của Liên Xô (cũ) tính toán, nhưng họ cũng không tính được kết quả lũy thừa của 87 là bao nhiêu. Do không tính được số nước cờ, người ta không công nhận sản phẩm của ông.

Lòng ông Bẩy nặng trĩu. Ông mang sản phẩm trí tuệ của mình đến một tờ báo dành cho trẻ em, đề nghị báo đăng để học sinh cả nước biết. Báo lên khuôn rồi, chẳng may giáo sư Trần Quốc Vượng (đã quá cố) tình cờ thấy được, liền hỏi biên tập viên là thứ cờ này đã đăng ký bản quyền chưa, nếu chưa thì đừng cho đăng. Bởi ông sợ nếu đăng thì chất xám của ông Bẩy sẽ bị đánh cắp ngay lập tức. Báo lại bóc ra.

Năm 1988, con trai ông Bẩy đi Liên Xô. Ông bảo anh ta mang sang đó dịch ra tiếng Nga để mọi người chơi cho khỏi phí. Nhưng khi đến Cục Xuất cảnh trình bày, anh công an bảo: “Nếu có vấn đề gì thì bác sẽ phạm tội bán tài sản trí tuệ quốc gia”. Ông hoảng quá, lại thôi. Đi bao nhiêu cơ quan, cơ quan nào cũng từ chối mà ông cũng không biết phải đem trình cơ quan nào.

Món cờ của ông đành phải cất vào ngăn tủ, cho đến khi nghe Nhà nước thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về bản quyền, ông Bẩy lại hớn hở đem cờ toán đi trình làng, định là lần cuối, không được thì thôi. Thật bất ngờ, tháng 5-2005, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT) chính thức công nhận sản phẩm trí tuệ do ông nghĩ ra. Ông Bẩy vui như đào được vàng ròng, hóm hỉnh bảo: “Sau 20 năm, “con” tôi mới được “cấp giấy khai sinh”. Thế là cờ toán đã có bản quyền, không sợ bị ai đánh cắp”.

Ngay sau khi món cờ toán của ông được cấp bản quyền, một tờ báo ở Hà Nội đã đặt vấn đề bán đấu giá sở hữu trí tuệ với giá khởi điểm là 1 triệu USD. Biết tin này, một chuyên gia về cờ ở Trung Quốc đã thuê phiên dịch viên tìm đến tận nhà ông ở Bắc Ninh, đề nghị trả 1 triệu USD để mua lại bản quyền và nói rằng sẵn sàng trả hơn nếu có người khác trả nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Bẩy không chấp nhận bởi điều kiện của chuyên gia người Trung Quốc đưa ra là phải thay các dấu chấm tròn trên mặt quân cờ bằng các chữ: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, cửu.

Đồng thời, phải thay tên “cờ toán VN” bằng cờ toán quốc tế. “Tôi không muốn để người ta thay tên gọi vì khi sáng tạo món cờ này, điều thôi thúc tôi là phải sáng tạo ra một thứ cờ của VN, mang nguồn gốc VN. Tôi cũng không bán bởi họ mua nó với ý định thương mại hóa. Nếu họ mua để phổ biến thì tốt, còn ngược lại tôi cũng chẳng cần. Bao năm nay tôi vẫn sống bằng nghề nặn tượng và vẫn đủ sống” - ông Bẩy bộc lộ quan điểm. Ông nói thêm: “Cái mà tôi cần bây giờ là bằng cách nào, phương tiện ra sao để phổ biến cho nhiều người chơi cờ toán một cách hiệu quả, để tôi khỏi tốn tiền photo các bài hướng dẫn”.

Chuyện là, từ khi món cờ toán của ông được công khai thì mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm người ở quanh TP Bắc Ninh và khắp các tỉnh trong cả nước gửi thư, gọi điện cho ông xin được gửi bản photo hướng dẫn cách chơi, luật chơi cờ toán. Ông đã tốn cả bạc triệu để gửi các hướng dẫn cho người hâm mộ nhưng vẫn không xuể.

Mới đây, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch trình Bộ GD-ĐT đưa món cờ toán của ông vào thành môn học cho học sinh ở Bắc Ninh. Trong tháng bảy này, UBND tỉnh Bắc Ninh dự định mở một hội thảo về cờ toán của ông Vũ Bẩy. Các chuyên gia của Ủy ban Thể dục thế thao VN cũng đã gặp ông và hứa sẽ phát triển môn cờ toán ra cả nước.

Ván cờ và triết lý xã hội

Bàn cờ toán do Vũ Bẩy thiết kế, sáng tạo đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả sau 20 năm chờ đợi

“Người Việt từ xưa đến nay vẫn chơi cờ tướng. Nhưng cờ tướng là của người Trung Quốc. Rồi người ta chơi cờ vua. Cờ vua cũng là môn cờ du nhập. Chẳng lẽ chúng ta không có một loại cờ của riêng ta? Lúc đó tôi nghĩ có thể dùng các con số để tính toán cho một ván cờ được không? Thế là tôi bắt đầu bỏ thời gian để nghiên cứu về một thứ cờ gọi là cờ toán, để làm sao khi chơi cờ, người chơi phải vận dụng các kiến thức về toán học, đồng thời nó còn giúp khả năng toán học của người chơi được tốt lên” - ông Bẩy tâm sự.

Nung nấu từ những năm 1970, đến tận những năm 1980 ông mới hoàn thành được luật chơi cờ toán. Từ vị trí xếp quân cho tới giá trị mỗi quân hay cách bắt quân... ông đều phải sửa đi sửa lại hàng chục lần.

Theo ông, để đi một nước cờ toán thì phải vận dụng một trong bốn phép tính: cộng, trừ, nhân, chia. Do phải sử dụng cách chơi phối hợp cả bốn phép tính, nên tổng số nước đi của một ván cờ toán là lũy thừa của 87 (87^87). Trong khi đó, tổng số nước đi của cờ tướng chỉ là lũy thừa của 32, còn cờ vua là lũy thừa của 16). Lũy thừa của 87 là một con số mà “không biết bao nhiêu đời người mới có thể đi hết từng ấy nước đi” - ông khẳng định. Cờ toán vừa dân dã, vừa bác học là vì thế.

Ông Bẩy còn gửi vào cờ toán một triết lý nhân sinh: “Khi chơi cờ toán, nó không chỉ giúp người ta tính toán mà còn dạy cho người ta phải biết lẽ sống. Tính cách từng người sẽ được thể hiện qua ván cờ toán. Người tham lam thì chỉ thích cộng, thích nhân. Nhưng cứ nhân, cứ cộng mãi cũng thất bại (thua). Cái đó cũng giống như ở đời: lá lành phải biết đùm lá rách, phải biết chia sẻ cho người khác”.

Đặc biệt, theo ông, cái này mới là độc đáo: quân số 0 (đứng yên một chỗ, không được di chuyển). Tất cả các quân còn lại 1-9 đều có nhiệm vụ công thủ ngang nhau và có một trách nhiệm chung là bảo vệ quân số 0. Trong cờ vua và cờ tướng, khi mất vua hoặc tướng là bị thua. Tuy nhiên, cờ toán lại khác cờ tướng, cờ vua ở chỗ: quân số 0 là dân chứ không phải tướng hay vua, và khi để dân bị đối phương bắt, người chơi sẽ bị thua tuyệt đối. 

Luật chơi cờ toán của ông Vũ Bẩy

Bàn cờ hình chữ nhật, gồm 99 ô (9 ô hàng ngang và 11 ô hàng dọc). Ô thứ 5 ở hàng thứ 2 của mỗi bên có đường chéo là vị trí cố định của quân số 0 (tức trong khi chơi, số 0 không được di chuyển). Quân cờ hình tròn, mỗi bên một màu khác nhau, trên mỗi quân có các dấu chấm tròn thể hiện các số thứ tự 1-9 (ví dụ, quân số 1 có một chấm tròn; quân số 9 có chín chấm tròn).

Như vậy, mỗi bên có chín quân cờ và một quân số 0. Hai bên cùng xếp quân vào hàng ngang dưới cùng theo thứ tự 1-9 (theo chiều từ trái qua phải, tức tăng dần).

Ngoại trừ quân số 0 không được phép di chuyển ra khỏi vị trí, các quân còn lại 1-9 đều được đi theo tám hướng (trong đó bốn hướng đi thẳng ra bốn phía ngang, dọc và bốn hướng đi chéo theo đông - tây - nam - bắc). Mỗi ô trống trên bàn cờ là một bước đi. Số bước đi được thực hiện theo trị số riêng của từng quân cờ. Chẳng hạn, số 2 có thể đi 1-2 ô trống, số 9 có thể đi 1-9 ô trống tùy mục đích của người chơi.

Khi muốn bắt quân của đối phương, điều kiện là bên mình phải có hai quân đứng trong hai ô liền nhau theo chiều dọc hoặc ngang hoặc chéo (để tạo thành một phép tính và phía trước không có quân của đối phương đứng cản). Sau đó dùng các phép hoặc cộng (+), hoặc trừ (-), hoặc nhân (x), hoặc chia (:) với nhau để ra đáp số. Đáp số của mỗi phép tính là điểm có thể bắt được quân của đối phương.

Chẳng hạn, bên mình có quân 8 và quân 5 đứng liền nhau (8 đứng dưới, 5 đứng trên) theo hàng dọc thì có thể lấy 8-5 = 3 hoặc 8+5 = 13 để bắt quân đang đứng ở ô thứ 3 của đối phương (tính từ ô của quân 5 đứng trước) nếu muốn đánh tiến. Sau đó, lấy quân số 8 thế vào vị trí mà quân số của đối đối phương bị bắt. Còn nếu muốn bắt lùi thì lấy 5+8 = 13 và bắt quân đang đứng ở ô thứ 3 bắt đầu tính từ quân số 8.

Chú ý, nếu kết quả của phép cộng hoặc nhân mà lớn hơn 10 thì chỉ lấy số của hàng đơn vị để tính điểm bắt quân. Chẳng hạn 5+8 = 13 thì 3 là điểm để bắt quân của đối phương. Nếu là phép chia có dư thì lấy số dư để bắt quân. Chẳng hạn, lấy quân 8 chia cho quân 5 bằng 1 dư 3 thì 3 là ô cờ được bắt quân của đối phương. Không thể lấy 5 x 8 = 40 vì điểm 0 là không có giá trị.

Trong khi tính toán, nếu phía trước có quân của đối phương đứng cản thì không thể bắt được quân của đối phương. Chẳng hạn 8+5 = 13 thì có thể bắt được quân số bất kỳ của đối phương (1, 2, 3, 4...) đang đứng ở ô thứ 3 tính từ quân số 5 của bên mình, nhưng nếu ở ô thứ 1, 2 có quân đối phương đang đứng thì không thể bắt được quân ở ô thứ 3 kể trên.

Cờ toán khác cờ tướng ở chỗ cờ tướng thì ăn trực tiếp (ngoại trừ quân pháo). Còn cờ toán buộc phải có hai quân để có thể làm một phép tính.

Trong quá trình chơi, bất kể khi nào, cứ bắt được quân số 0 của đối phương là thắng tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu không bắt được quân số 0 vẫn có thể tính việc thắng - thua bằng cách dựa theo số điểm. Mỗi quân cờ có số điểm tính theo trị số của nó. Chẳng hạn quân số 1 là 1 điểm, số 2 là 2 điểm... Trước khi chơi, hai bên có thể thỏa thuận thang điểm cho mỗi ván là 10-15-20 điểm... và chơi 1-3-5-7... ván. Sau đó tính trên tổng số ván thắng để tính thắng - thua. Nhưng trong quá trình thi đấu, bên nào bị đối phương bắt quân số 0 là bị xử thua tuyệt đối - dù trước đó đang dẫn trước 2-3-4 ván. Cụ thể:

- Ván 1: A thắng B với tỉ lệ điểm 10/7

- Ván 2: A thắng B với tỉ lệ điểm 12/5

- Ván 3: B thắng A tuyệt đối (tức B bắt được quân số 0 của A).

Kết quả cuối cùng: B thắng A.

Tuyệt vời! Những người như ông Vũ Bảy xứng đáng đc tôn vinh thành những danh nhân nét đẹp và truyền thống Việt Nam! Chỉ riêng việc giữ quốc hồn quốc túy cho đất nước bằng việc từ chối....hơn 1.000.000 USDtie62n mua đấu giá của một ông người Tàu và từ chối danh hiệu "Cờ toán thế giới" là.....phục sát đất rùi. Thật hạnh phúc khi đất nước ta còn những người như ông Vũ Bảy!

Ah, hôm nay các anh chị có thể vào địa chỉ này: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ChannelID=99&InterviewID=260 để giao lưu trực tuyến với ông Vũ Bảy đấy ạ!


Xăng giảm, dân mừng

Nhân viên thực hiện việc niêm yết giá xăng mới.

Mặc dù giá xăng bán lẻ chỉ giảm có 500đ/lít nhưng cũng đã tạo được dư luận tốt trong xã hội. Có ra các cây xăng thời điểm trước và sau 13h chiều nay mới thấy hết được niềm vui của người dân khi được mua xăng đúng với diễn biến giá cả thị trường.

12h40 phút, khung cảnh mua bán tại điểm bán xăng dầu Thành Công, 1A Láng Hạ (thuộc Cửa hàng Xăng dầu chất đốt Ba Đình) khá nhộn nhịp. Đối tượng đến mua chủ yếu là “hết xăng phải đổ” hoặc “không quan tâm khi nào giảm giá, bởi đã phải chờ đợt khá lâu”.

Chị Hằng (người sống ở khu vực Đội Cấn) cho hay: “Mấy ngày qua tôi không đụng tới xe, chiều nay có việc cần đến thì bình xăng đã gần cạn. Sáng nay đọc báo thấy nói giá xăng sẽ giảm trong buổi chiều, nhưng vì công việc gấp, không chờ được nên tôi mới phải đi đổ xăng vào giữa trưa nắng như thế này”.

Doanh nghiệp xăng dầu vẫn có lãi

 Giá xăng nhập khẩu, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giảm, có lúc chốt ở ngưỡng 74 USD/thùng, theo tính toán sau khi cộng thêm các loại thuế VAT, chi phí bến bãi... các nhà nhập khẩu lãi tới 800 đ/lít, thậm chí có thời điểm là 1.500đ/lít.  Với việc giá xăng chính thức giảm xuống 500đ/lít, theo ông Bùi Ngọc Bảo - Phó tổng giám đốc Petrolimex thì các doanh nghiệp kinh doanh vẫn có lãi.

Đứng cạnh chị Hằng, anh Thành (ở phố Hai Bà Trưng) nói: “Chiều nay tôi phải đi chở hàng, mà chiếc xe ở nhà thì không còn một giọt xăng, nên phải mang can nhựa ra mua. Thông tin giảm giá xăng được nhắc đi nhắc lại mãi, hi vọng thông tin giá xăng giảm vào chiều nay là sự thật…”.

Đúng vào lúc 12h55, điểm bán xăng dầu Thành Công dừng bán để kiểm kê lại hàng và niêm yết giá mới. Công việc này chỉ mất khoảng 5 phút và đúng 13h chiều, mọi hoạt động trở lại bình thường.

Chị Hạnh, nhà ở Hà Tây, bán rau tại chợ Thành Công vui mừng nói: “Giá xăng giảm 500đ/lít đối với người đi trong nội thành có thể là không nhiều, nhưng với dân chợ chúng tôi, hàng ngày đi trên dưới 100km thì mức giảm này cũng giúp chúng tôi bớt phần nào chi phí”.

  

Trục trặc kĩ thuật khiến "thượng đế" phải chờ đợi khá lâu.

Ông Hồ Trọng Tuấn, Trưởng cửa hàng xăng dầu chất đốt Ba Đình cho hay, do có thông tin về giá xăng được điều chỉnh giảm, nên trong 4 ngày qua, mỗi ngày sản lượng cửa hàng này bán ra giảm từ 1.500 - 2.000 lít xăng.

“Người dân đã chờ đợi giây phút này từ đầu tuần, nên lượng khách đến với cửa hàng từ sáng đến nay giảm trông thấy. Tối qua chúng tôi đã có thông tin giá xăng chiều nay giảm nhưng cửa hàng vẫn nhập về 1 xe 11.240 lít xăng. Bán từ 6h sáng đến 12h45 hôm nay (16/8) chỉ được khoảng 4.700 lít, bình thường, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được từ 10.000 - 11.000 lít xăng”- ông Tuấn nói.

Nhìn chung, các cây xăng đã thực hiện khá nghiêm túc các công việc như kiểm kê lại lượng hàng còn tồn, ghi số và chỉnh mức giá mới theo đúng quy định của liên Bộ Tài chính - Công thương. Tuy nhiên, ở một số cây xăng, do trục trặc kĩ thuật, công việc kiểm kê và niêm yết giá mới diễn ra lâu hơn, gây tâm lí chờ đợi cho khách hàng.

Đứng về phía người tiêu dùng, chị Bích Phương, một nhân viên văn phòng cho rằng, giá xăng nên điều chỉnh giảm xuống 800đ/lít thì hợp lí hơn: “Tôi cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay vẫn đang lãi rất nhiều”.

Đồng với ý kiến trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô bày tỏ, mức giảm này chỉ tác động chủ yếu tới nhóm người tiêu dùng cá nhân như người đi xe máy và một phần nhỏ cho các hãng taxi, còn đa số vận tải hành khách, hàng hoá khác đều dùng dầu sẽ không có tác động gì.

Như vậy có thể thấy rằng, việc giá xăng bán lẻ giảm 500đ/lít tuy không nhiều nhưng cũng tác động khá lớn tới tâm lí người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh mọi mặt hàng đều tăng mạnh thời gian qua.

(Tổng hợp từ Dân Tri)

Hi hi xăng giảm dù ít hay nhiều thì dân chúng ta mừng cũng phải vì đấy là biễu hiện của sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tiêu dùng, trong bối cảnh giá cả leo thang mà chi phí đi lại giảm đc it nhiều thế này cũng hạnh phúc lắm!

TTX Con Kiến Lửa

Người viết: Kiến Cóc