Chúc mừng cái nào! he he

Điểm Ngôi sao Blog: 28 (5 lượt)
| Bình chọn:

Các thành viên ban giám khảo đang bình chọn các giải thưởng tại báo Tuổi Trẻ. Từ trái qua: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, TS Lê Ngọc Trà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà báo Thúy Nga và nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: Minh Đức

TT - Cuộc thi truyện ngắn 1.200 chữ do báo Tuổi Trẻ tổ chức hơn một năm qua đã kết thúc. Từ gần 100 truyện được chọn đăng, ban giám khảo đã chọn 30 truyện vào chung khảo rồi từ đó chọn ra được 13 truyện để trao giải thưởng.

Đây là một sự chọn lựa khó khăn, bởi vì đánh giá chung của ban giám khảo là ở cuộc thi này không có truyện nào thật sự nổi bật, xuất sắc. Các truyện chưa có nhiều những sự bứt phá, sáng tạo nghệ thuật trong số chữ hạn định. Tuy nhiên trong phạm vi một cuộc thi trên báo, trong tương quan các truyện với nhau, 13 truyện được giải cũng đã tiêu biểu cho sự đa dạng về đề tài, nội dung, cách viết.

Giải nhất cuộc thi thuộc về truyện Nông nổi cù lao của Dương Đức Khánh. Cái tên truyện đã được đặt rất khéo, thu tóm được nội dung truyện. Truyện được kể bằng một giọng tửng tưng như là sự đời vốn vậy, như là những chuyện từng gây động trời ảnh hưởng đến cái sống, cái chết của mỗi con người mà nhân vật Bảy Đòn Gánh gây ra cho người dân ở xóm ấp của anh ta là chuyện nhỏ, chuyện không có gì. Thì Bảy Đòn Gánh làm những việc ấy một cách hồn nhiên, một cách tin tưởng rằng đó là những việc chân chính, đúng đắn, anh ta làm là vì trách nhiệm, vì phải làm theo bổn phận của mình, làm cho hạnh phúc của mọi người. Nhưng rốt cuộc anh ta vẫn chỉ là dân đen, có tung tác gì thì vẫn bị quay cuồng trong sự biến thiên đảo lộn của những cuộc thay đổi xã hội, và phận đời không đổi.

Đọc truyện mà bật cười, cười rồi thì chua chát, ngẫm lại thấy đắng cay, cuối cùng vẫn lại cười, cười mà thấy thương, thấy tội cho Bảy Đòn Gánh. Anh ta đâu chỉ gánh cái phận mình, mà gánh chung phận cho nhiều người khác nữa. Chỉ trong 1.200 chữ mà dựng được một thân phận, tạo được một hoàn cảnh truyện, và nhất là chứa đựng được một tư tưởng về sự vần xoay của thế sự cuộc đời, bằng một giọng cười cợt như không - truyện Nông nổi cù lao đã xứng đáng giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi.

Nông nổi cù lao - vừa buồn cười vừa đau đớn

Trào lộng vốn là một thế mạnh của con người, nhưng dường như lại đang là một thế yếu của văn học ta. Mà khi cần từ giã quá khứ để đi tới, không gì hay và hiệu lực bằng trào lộng, nhất là biết tự trào lộng, tự chế giễu, tự lấy làm xấu hổ về những vụng dại của chính mình một thời cũng chưa xa, chẳng đâu vào đâu nhưng từng gây đau khổ cho bao con người, làm méo mó xã hội, thậm chí có thể tan nát những số phận.

Tôi yêu truyện ngắn chỉ nhỏ bằng bàn tay của Dương Đức Khánh vì có lẽ đã lâu lắm mới tìm lại được một người biết nói về những điều nghiêm trang, vừa buồn cười vừa đau đớn như vậy của quá khứ, mà nay ta lấy làm xấu hổ và muốn từ giã hẳn đi, mãi mãi, bằng một giọng điệu vừa đau khổ vừa khoan dung, trông chừng tưng tửng nhưng đáng để lẳng lặng mà nhớ đời, mà trong văn chương chỉ có trào lộng mới biểu đạt được.

Cũng như một con người, hay thậm chí một xã hội, một nền văn học biết trào lộng, tự trào lộng, tự cười và chế giễu chính mình là một nền văn học mạnh. Mong cho văn học ta khôi phục được sức mạnh đó. Cũng sẽ là cho cả xã hội.       

Nguyên Ngọc

Hai giải nhì thuộc về truyện Nhớ đá (Đỗ Doãn Hoàng) và Xa xa, một ngôi nhà (Phạm Trung Khâu). Truyện của Đỗ Doãn Hoàng da diết chiều sâu của văn hóa làng hiện hình ở cuộc đời một con người. Đá ong ở vùng quê trong truyện - một địa danh văn hóa lịch sử - không chỉ là hình hài vật chất của làng, không chỉ là cấu tạo địa chất của một thôn cư. Đó còn là linh hồn làng, là mạch sống của một cộng đồng dân cư. Giọng điệu truyện thấm nặng một nỗi buồn không phải hoài cổ mà là nỗi buồn tiếc cho một vẻ đẹp tinh thần, một giá trị nhân văn và văn hóa của làng quê đang dần bị mất mát.

Truyện của Phạm Trung Khâu viết trong mạch hồi tưởng của người con về chuyến đi chơi cùng người cha đến thăm một ông giáo làng.

Những chi tiết tuổi thơ được lọc qua bộ nhớ của người kể bốn mươi năm sau là khung cảnh buổi sáng đẹp trời sau cơn mưa, là thái độ xúc động thành kính, thiêng liêng của người cha trước, trong chuyến đi và khi đến nhà ông giáo. Đứa trẻ vô tư chỉ thích nhìn quang cảnh đất trời, cây cỏ. Nhưng niềm xúc động thành kính trước người thầy, trước sách vở thì cậu đã được truyền nhận từ mỗi cử chỉ động thái của người cha từ chuyến đi chơi ấy.

Từ đó, "xa xa, một ngôi nhà” không chỉ là nơi tâm tưởng nhớ về, mà còn là một hành trang văn hóa cuộc đời. Một kỷ niệm bình dị tuổi thơ qua cách viết nhiều khơi gợi, để nhiều khoảng trống, khoảng lặng cho cảm xúc, đã tạo cho thiên truyện sự sâu lắng cảm động.

Mười truyện được giải ba mỗi truyện một vẻ riêng. Sương (Phan Vân) với cách viết đan cài quá khứ và hiện tại, với hình tượng giọt sương như một biểu tượng, đã nói lên được cái mong manh mà bền vững của cuộc sống và tình yêu.

Nước mắt sạch (Vương Tâm) có sự bất ngờ của một câu chuyện đời người, có tình huống xung đột, và tác giả đã khéo làm sáng lên cái tâm, cái tình con người ở chỗ tưởng chỉ thuần là "thương vay khóc mướn". Bụi trần gian (Đỗ Phước Tiến) viết kỹ lưỡng trong từng câu văn để cho thấy làm người sống trọn kiếp người thanh thản là thách thức lớn nhất của con người.

Thầm thì kể chuyện trong đêm (Nguyễn Thị Thu Hương) gây xúc động ở câu chuyện theo lời kể của cây cầu thầm thì về hai con người, hai mảnh đời rất đỗi tầm thường, bé nhỏ nhưng đã biết tìm thấy ở nhau tình yêu thương gắn kết hai số phận. Chùa xưa (Trần Trung Sáng) tạo những đối thoại đứt nối, khép mở làm lộ ra nỗi ân hận day dứt của người sống chưa trọn cái sống của mình.

Chia tay (Tâm Hoa) bằng một giọng kể cố tỏ ra bình thản lại làm nhói lên cảm giác con người sống ở đời nhiều khi bàng quan và vô tình với nhau, khi một người nằm xuống ta mới hiểu người đó thì đã muộn.

Giữa trùng khơi (Phương Trinh) khiến thấm lạnh nỗi cô đơn của những người trẻ tuổi ngay giữa thành phố đông đúc, ngay trong tụ hội bạn bè. Vào một ngày đẹp trời người nhổ khoai mì bị rắn độc cắn (Nguyễn Ngọc Thuần) tạo cách viết lạ, kể chuyện lòng vòng nhưng nhờ đó lại gây được ấn tượng mạnh về mọi sự đời rối rắm liên quan với nhau, và ẩn sau đó là một cái nhìn phê phán. Chưa tới một giờ nơi đường biên (Đoàn Tú Anh) viết trên một đề tài tưởng như đã cũ, đã mòn, nhưng cái tình của người viết đã khiến nhân vật có tình và tạo được sự đồng cảm nơi người đọc. Sapa tuyết trắng xóa (Dương Bình Nguyên) cũng rất dễ cũ ở đề tài, nhưng tác giả đã tỏ ra chắc tay trong cách viết để lại cho độc giả nhiều day dứt và nỗi buồn.

Truyện ngắn 1.200 chữ đã khép lại ở cuộc thi, nhưng đang tiếp diễn dưới dạng một chuyên mục. Viết tiếp từ 1.200 chữ là niềm mong mỏi và chờ đợi đối với các cây bút được giải và nói chung những người viết để có những trang văn hay, truyện ngắn hay.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

13 giải thưởng

Một giải nhất: Nông nổi cù lao (Dương Đức Khánh).

Hai giải nhì: Nhớ đá (Đỗ Doãn Hoàng) và Xa xa, một ngôi nhà (Phạm Trung Khâu).

Mười giải ba: Sương (Phan Vân), Nước mắt sạch (Vương Tâm), Bụi trần gian (Đỗ Phước Tiến), Thầm thì kể chuyện trong đêm (Nguyễn Thị Thu Hương), Chùa xưa (Trần Trung Sáng), Chia tay (Tâm Hoa), Giữa trùng khơi (Phương Trinh), Vào một ngày đẹp trời người nhổ khoai mì bị rắn độc cắn (Nguyễn Ngọc Thuần), Chưa tới một giờ nơi đường biên (Đoàn Tú Anh), Sapa tuyết trắng xóa (Dương Bình Nguyên).

Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào sáng thứ bảy 19-1-2008 tại báo Tuổi Trẻ. Trong dịp này, tập truyện ngắn 1.200 chữ cũng sẽ được phát hành.

Người viết: Kiến Cóc

5 Góp ý:

Vào lúc 11:20:24 AM | Thứ Ba, ngày 01 tháng 01, 2008, (vô danh)

phải thành công hơn nữa nhé!hi hi

Vào lúc 09:44:14 AM | Thứ Ba, ngày 01 tháng 01, 2008, Hùng Phong

hungcutroinam   thành công hơn nữa nhé !^^

Vào lúc 04:27:18 PM | Chủ Nhật, ngày 30 tháng 12, 2007, Hồn Việt - Kent

donghoi8xHappy!!!!!!!

Vào lúc 04:22:03 PM | Chủ Nhật, ngày 30 tháng 12, 2007, Mint

nhatranLà chị HMT nhà mình, nhỉ?! TuyệtTuyệt Tuyệt

Vào lúc 03:22:04 PM | Chủ Nhật, ngày 30 tháng 12, 2007, khiêukhích

khieukhich ĐIỂm 10 cho sự côốgắng của blog hihi

Gởi góp ý mới

<< Trở về