Nỗi Buồn Văn Học

Điểm Ngôi sao Blog: 0 (0 lượt)
| Bình chọn:

Thứ Tư, ngày 26 tháng 03, 2008

333magnify

Lâu rồi tôi mới lại có một giấc mơ dở như thế, giấc mơ chán đến nỗi khi tỉnh dậy tôi thấy mình chẳng buồn yêu đời hơn.

Em tâm sự với tôi về cái gì đó mà người ta gọi tên là mất mát, tôi cười với em rất tươi mà không kiểm soát được cảm xúc của mình. Tôi rất sợ mất mát, sợ một ai đó quanh mình sẽ ra đi, nỗi sợ hãi ấy lớn đến mức nấu chín nhừ cả cảm xúc trong tôi, và tôi ngạc nhiên với chính mình khi tôi lại có thể dửng dưng đến vậy.

Nhưng cũng giống như một thứ rượu lạ, uống vào không say ngay mà nó sẽ ngấm dần, đợi khi mọi thứ trôi tuột đi thì chỉ còn lại mình tôi với cơn chếnh choáng. Và tôi biết mình đang nốc vào người thứ rượu đó mà không thể đừng được, chẳng hiểu sao tôi lại có thể bình thản lạ lùng với những gì đang chờ đợi mình ở phía trước.

Mất mát là gì em nhỉ, chắc em không có kiên nhẫn chờ đến khi em đủ lớn để hiểu về nó mặc dù em đang và sẽ gánh chịu thêm rất nhiều mất mát. Cũng như tôi chưa đủ chín chắn với bản thân mình. Tôi vẫn cười khi cô bạn thân mải miết kiếm tìm một người đàn ông giống bố mình để lấy. Tôi thấy điều đó thật ngốc nghếch, chỉ vì tôi mồ côi từ nhỏ thôi.

Hôm nay tôi sẽ không nói với em về mất mát, tôi chỉ viết cho tôi, tôi muốn chia sẻ với riêng tôi về tất cả những gì đã qua, có lẽ cũng bao gồm cả mất mát, nỗi mất mát chưa được định nghĩa.

Xóm tôi hồi đó chỉ có cả thảy mười hai nóc nhà, nằm gọn trong một thung lũng hình lòng chảo, xung quanh bao bọc toàn đồi núi, cách đường cái chừng ba cây số và bị chặn với thế giới bên ngoài bởi một dòng suối rất rộng và sâu. Người ta bắc chiếc cầu phao bằng rất nhiều bè nứa chụm lại nổi lênh đênh trên mặt nước, chỉ có thể đi lại được vào mùa khô, nếu có lũ, chúng tôi phải đi vòng ngược đường rừng chừng hai chục cây số mới có chợ.

Đó là cái xóm người Kinh duy nhất, do khi lên khai hoang họ hèn nhát không dám ở mặt đường, sợ bom đạn nên chui tít tận vào rừng sâu. Đến khi hoà bình lập lại, họ mới tặc lưỡi tiếc vì ban đầu đã không chọn địa điểm tốt, nhưng rồi họ vẫn không chịu chuyển ra ngoài quốc lộ chỉ vì tiếc những mảnh ruộng đã khai phá ra.

Chắc chắn là tôi không hiểu được họ, tôi làm sao có thể hiểu được những tính toán rất nông dân như thế, tôi gọi là tính toán nông dân không có ý chê họ ngu đần, đó chỉ là cách đặt tên của riêng tôi thôi.

Tuy chỉ có mười hai nóc nhà nhưng rất nhiều dèm pha và chuyện kể muôn đời không hết. Tôi không có ngẫu hứng kể với em về họ, nhưng vì giấc mơ rất dở đêm qua khiến tôi nhớ lại về gia đình ấy.

Ông Thức quê ở Nam Định, không hiểu vì sao lại có mặt tại cái xóm núi nghèo ấy, tôi chỉ biết là vợ ông, tức bà Thức bị điên, suốt ngày chửi chồng chửi con dù chẳng có lý do gì. Ông bà có hai con trai, đó là chú Khuê và chú Kiểm.

Chú Khuê người lùn có một mẩu, xấu trai không thể tả và đương nhiên là ế vợ. Nhân một người họ hàng ở quê làm mối chú cho một cô cũng quá lứa lỡ thì, nhưng cô này vì một nguyên nhân nào đó mà ngày nhà trai đón dâu đã nhường chồng tương lai cho người chị đã tứ tuần và thuộc dạng ế toàn diện. Thế là chú có một cô vợ hơn cả chục tuổi, rất hay nhõng nhẽo chồng và bản tính tằn tiện không ai sánh bằng.

Tiếp đến là chú Kiểm, bà Thức sinh chú vào một đêm mưa tầm tã, khi chú ra đời chỉ bé đúng bằng cái chai côca côla, người ta cân lên được sáu lạng, tôi thề không hề nói điêu. Bà Thức không có sữa nên chú phải bú cùng với bầy chó con nhà hàng xóm, thời ấy rất nghèo.

Sinh ra thì bé tẹo như vậy, chứ lớn lên thì phải vía, chú cao to vạm vỡ, chỉ tội giọng nói ồm ồm, nặng trịch, mỗi lần nghe chú nói chuyện tôi cảm thấy cuộc đời này nhọc nhằn kinh khủng.

Chú Khuê sinh được hai chị em gái, đứa sau cùng tuổi tôi, đều học lưng chừng rồi bỏ xứ đi làm ăn, trải qua nhiều cuộc tình với những người đàn ông sở khanh cuối cùng lại hai bàn tay trắng về xứ ấy. Tôi thấy cuộc đời mới bế tắc làm sao!

Ông Thức sống vật vờ bằng tình thương hàng xóm kể từ sau ngày bà Thức mất. Mỗi ngày ông đều gánh trên vai cả chục gánh nước nặng để đổi lấy từng nắm gạo trấu.

Thím Lựu, tức vợ của chú Khuê thì bị mù mất hai mắt, rất khó tính và suốt ngày chửi đuổi bố chồng.

Chú Kiểm lấy cô vợ làm nghề mài dao, cũng sinh con gái đầu lòng nhưng nghe đâu người vợ ấy cũng bị điên giống bà Thức.

Câu chuyện tôi kể với chính mình đến đây là hết, hẳn nhiên ai đọc nó cũng rất bực mình vì toàn thứ chẳng đâu ra đâu. Không, tôi chỉ tự nhắc nhở mình rằng cuộc sống con người ta đôi khi không trượt ra khỏi gót giày của định mệnh.

Sông trôi về biển là sông mất, nhưng sông không chảy thì còn gì là sông? Tôi không giống bất cứ số phận nào sống trong 12 nóc nhà ấy, tôi đến đó chỉ để xen ngang vào những bất hạnh, sống cùng cực nhọc đau thương không chỉ của riêng ai rồi tôi lại dạt về nơi khác.

Tôi là đứa rất mạnh mẽ, rất cá tính, rất tự tin, rất nghị lực, nhưng em này, tôi kể em nghe chưa chuyện tôi lên lớp bảy rồi mà vẫn còn đòi bú mẹ!? Rằng tôi rất thích xem tai nạn, nhìn vũng máu tươi bốc lên tanh lòm một cách can đảm nhưng lại khóc đến mấy tháng trời chỉ vì con chó nhà mình bị thương! Rằng tôi có thể nhớ tất cả những gương mặt thầy cô, vóc dáng, điệu bộ nhưng lại không thể nhớ họ đã dạy mình những gì. Rằng tôi rất thích vượt đèn đỏ, phạm luật giao thông và xả rác bừa bãi nơi công cộng!

Xã hội này không ổn chút nào nếu chứa một đứa khốn nạn như tôi! Tôi biết, nhưng tôi lại không muốn thay đổi, tôi yêu cái gàn dở của mình đến điên dại.

Tôi kể tôi nghe để một lần nữa nhắc nhở mình rằng lằn ranh giữa tốt đẹp và xấu xa rất mỏng manh, đôi khi chúng ta hay lầm tưởng. Nỗi mất mát cũng vậy thôi em ạ, đôi khi mất cái này để có thêm nhiều cái khác. Đừng chìm đắm trong đó để rồi cuộc đời cứ luẩn quẩn như những con người kia.

Em nhớ này, tất cả những số phận ở trên đều vô nghĩa hết. Vô nghĩa em ạ!

Và giờ đây tôi nhận ra rằng những nỗi buồn tôi đang và sẽ mang ấy chỉ còn là nỗi buồn văn học!

Viết lúc: 07:08 PM tác giả: Hà Lan Girl

0 góp ý

0 góp ý:

Chưa có góp ý nào !

Gởi góp ý mới

<< Trang chủ