Hà Nội ngày ấy - Trò chơi con trẻ
Điểm Ngôi sao Blog: 42 (7 lượt) |
|
Hà Nội ngày trước chẳng có gì cho trẻ con chơi. Những đưa như tôi chỉ biết quanh quẩn trong phố, giỏi thì lượn lên đến chợ kiếm vài con chọi, con chim về tiêu khiển. Cũng chẳng trách được, khi đó Việt Nam mới mở cửa, những gì chơi được còn quá cao cấp hoặc quá xa lạ. Lúc đó cũng chẳng ai quan tâm tới sân chơi của đám trẻ làm gì vì người lớn còn lo kiếm sống. Và cứ thế đám trẻ lớn lên với những trò chơi tự chúng thấy, nghĩ ra.
Ngõ nhỏ phố nhỏ, nét đặc trưng của Hà Nội. Nơi đó đám trẻ lớn lên, học hỏi lẫn nhau. Đôi lúc chúng học cả người lớn thông qua những gì chúng nhìn thấy. Ai đi nhiều khi đến Hà Nội đều phải thừa nhận người Hà Nội rất chăm tập thể dục. Có người chạy quanh các hồ ở Hà Nội. Có người chỉ đứng trên gác thượng tập vài bài thể dục. Rồi có đợt các bà các chị đua nhau lắc vòng vừa là giữ sức khoẻ, vừa giữ dáng. Đám trẻ thấy vui rồi cũng học theo. Lắc vòng dần dần không còn là bài thể dục đặc quyền của chị em nữa.
Đổ cá ngựa có lẽ là một trò chơi phổ biến của người Nam hơn người Bắc. Ở Sài Gòn người ta có thể bắt gặp những đám đổ cá ngựa ăn tiền ở bất cứ ngõ hẻm nào. Nhưng ở Hà Nội, đổ cá ngựa không phải là trò đỏ đen lôi cuốn mọi người. Trò này thường chỉ có đám trẻ chơi cho vui, hoàn toàn lành mạnh. Chỉ sau này khi khá giả hơn, một số ít trẻ mới chơi ăn tiền nhưng vẫn không phải là phổ biến.
Thời đó ở Hà Nội, đám trẻ chúng tôi có thể tự làm đủ thứ trò chơi. Có thể là đẽo khẳng, làm quay, làm diều và tụ nhau chơi. Thường thì đưa nào giỏi có thể làm diều mặt trăng, diều hộp, còn kém thì cứ làm cái tấm phản thả cho nó dễ. Đến khi thả, diều nào hay sẽ làm cho chủ của nó nở mày nở mặt. Riêng chuyện dây diều thì là cả một vấn đề với chúng tôi. Thường thằng nào nghèo thì về ăn trộm chỉ của mẹ rồi làm cái diều nhỏ nhỏ để thả tránh bị đứt. Thằng nào giàu thì ra chợ Đồng Xuân mua dây cước, dây gai thả. Thằng nào chịu khó thì đi tước dây dù ở mấy xưởng làm lốp xe hoặc đi rút dây bao xi măng ở mấy công trình xây dựng. Loại dây này nối vào thả thì vô tư, chỉ sợ nút buộc không chặt mất diều thôi.
Ôtô cũng là chỗ để chơi bởi thời đó chẳng mấy ai có ôtô như bây giờ. Nhà nào có ôtô thường là quan chức, đám trẻ chúng tôi cũng thường chỉ được đứng ngoài cầm tay nắm cửa chứ có mấy khi được chui vào trong mà ngồi đâu. Mà được cái toàn xe nồi đồng cối đá, đi cả dép trèo lên nghịch vô tư. Chứ giờ cứ thử sờ vào xem, thể nào cũng bị la trầy xước.
Đèn trung thu thời đó là niềm ước ao của mỗi đứa trẻ. Đêm trung thu thường có ý nghĩa lớn không kém gì tết. Trẻ con được rước đèn, ăn bánh dẻo bánh nướng. Nhà nào kỳ công làm cho con cháu cả đèn kéo quân, loại đèn cho đến giờ gần như mất dạng vào mỗi dịp trung thu. Thì vẫn còn đó mấy đèn kéo quân của Trung Quốc nhưng nó bằng nhựa và chạy bằng điện nên chẳng có gì hấp dẫn. Nhiều lúc thấy thương đám trẻ bây giờ vì chúng chẳng còn biết những đồ chơi truyền thống của dân tộc.
Súng phun nước cũng là một trò chơi phổ biến vào mỗi dịp Trung thu. Thực tế thì loại đồ chơi này chỉ nở rộ vào những năm 90 bởi khi đó cửa khẩu bắt đầu mở, hàng Trung Quốc ồ ạt đổ về. Tất nhiên đồ chơi dạng này rẻ, lại vui nên rất đắt hàng. Thời đó cũng chẳng mấy đứa trẻ nghĩ ra trò cho mực, thậm chí cả nước cống, nước tiểu vào bắn. Về sau trò chơi này bị cấm vì mang tính bạo lực.
Thời những năm 90 thành phố chưa có chủ trương "gom trẻ lang thang" nên quanh bờ hồ, chợ Đồng Xuân trẻ em lang thang rất nhiều. Nhưng thời đó chúng không quậy phá hoặc nhũng nhiễu khách du lịch như giai đoạn sau. Thường thì chúng chỉ đi bán vài món đồ nhỏ, nhặt bao nilon... chứ không bán báo, xổ số, bưu thiếp và vòi vĩnh khách du lịch như về sau. Nhiều lúc vắng chúng cũng thấy thiếu thiếu gì đó vì trước tôi cũng hay chơi với chúng. Thường thì mỗi lần tôi ra Bờ Hồ, tôi có thể nói chuyện, trêu chọc, thậm chí câu cá hoặc bơi ở Hồ gươm cùng chúng. Giữa chúng tôi không có nhiều khoảng cách vì dù sao cũng là trẻ con và cũng... nghịch bẩn giống nhau. Cũng là một kỷ niệm.
Xe đạp tất nhiên là phương tiện chính của chúng tôi thời đó. Có thể bây giờ đám trẻđang quay trở lại mốt đi xe đạp nhưng thời đó chúng tôi cũng có những trò chơi, nói chính xác là có những trò quậy phá tưng bừng với xe đạp.Nào thì thi bốc đầu đi một bánh. Nào thì đua xe đạp quanh thành phố. Nào thì biẻu diễn luồn lách qua những vỏ trứng xếp trên đường.Nếu ai từng là những người quậy thời đó đều biết những đoàn đua xe đạp có khi lên đến cả trăm chiếc chạy lòng vòng từ bờ hồ lên phố cổ rồi tập trung ở lăng để nghịch ngợm. Lực lượng cảnh vệ ở đây thường không thu xe mà chỉ bắt rồi tháo van xe bắt chúng tôi dắt bộ về. Nhưng lại có ông già chuyên bán van xe đạp và bơm xe. Chính vì vậy thằng nào đã xác định quậy phá thì cũng xác định nhét túi sẵn 1.000 để đề phòng bị bắt.
Nghe giang hồ đồn rằng cờ tướng thì Sài Gòn cực giỏi, vô địch Việt Nam. Nhưng cái thú chơi cờ tướng ở Hà Nội thực ra cũng không kém Sài Gòn là mấy. Nếu bạn thực sự là người yêu thích cờ tướng, bạn có thể tìm hiểu tại phố gì đó ben hông chợ Hàng Da sẽ thấy có một quán trà chuyên cờ tướng. Ngoài ra bạn có thể đến vườn hoa con cóc, Hồ Gươm hay bất cứ công viên nào quanh Hồ Gươm sẽ thấy phong trào chơi cờ tướng ở Hà Nội rất phổ biến.
Om 3 cây là một trò cờ bạc mà đến giờ vẫn đang tồn tại rất phổ biến tại Hà Nội. Đặc biệt là vào dịp Tết, các sới bạc mọc ra khắp thành phố. Chơi om ba cây không đòi hỏi phải tư duy quá nhiều mà phụ thuộc vào độ may mắn của con bạc. Nhưng cái khoái nhất của om ba cây chính là sự hồi hộp trong từng quân bài. Chỉ cần thêm 1 hoa là kết cục của ván bài đã khác hoàn toàn. Ai hên thì ăn lớn chứ ai xui thì cũng tận mạng.
Viết bởi (vô danh) — 10:26 AM | Thứ Năm, ngày 06 tháng 03, 2008