» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

Chuột kaka

rút kết của một ngày,một người, một cuộc sống hay chính là 1 cuộc đời

Forza AC Milan

Điểm Ngôi sao Blog: 0 (0 lượt)
| Bình chọn:

Thứ Sáu, ngày 07 tháng 09, 2007 viết bởi chuotkaka

""Milan bước vào mùa giải mới với đội hình không có mấy thay đổi so với lúc họ giành chiếc cúp Champions League danh giá. Tất cả họ đều tài năng, dày dạn kinh nghiệm nhưng đã luống tuổi và cũng chỉ có thể thi đấu đỉnh cao được một hai mùa bóng nữa.


Không nơi nào trên thế giới có một CLB bóng đá đầy chất lãng mạn như AC Milan. “Đế chế” Đỏ-Đen luôn là tâm điểm chú ý của các thiếu nữ, bởi thời nào cũng vậy, họ thường có trong đội hình những lãng tử vừa “bô” trai, vừa giỏi đá bóng. Hãy hỏi bất cứ một cô gái nào đó về AC Milan xem! Có thể, nàng sẽ không tường tận hết về CLB, nhưng bao giờ cũng “thòng” thêm những câu đại loại như: Ồ, AC Milan ư!? Đội bóng của Maldini đấy! Gì mà không biết!


Ra đời năm 1899, chỉ 2 năm sau, AC Milan đã có được danh hiệu Scudetto đầu tiên. Sau đó, họ “ôm” thêm 2 chức vô địch Serie A nữa trước khi bước vào thời kỳ “cằn cỗi” với hơn 40 năm “sống trong sợ hãi”. Nhưng rồi “cơn bĩ cực” cũng qua đi và vinh quang lại tới khi Milan may mắn gặp được bộ ba người Thuỵ Điển, Gunnar Gren, Gunnar Nordahl và Nils Liedholm. Đội bóng ngay lập tức được vực dậy, trở nên hăng hái khác thường và họ làm “kinh hồn bạt vía” mọi đối thủ tại đất nước hình chiếc ủng khi đem về tới 4 Scudetto trong thập niên 1950.


Thật tiếc, thời kỳ huy hoàng của AC Milan lại một lần nữa bị gián đoạn vào năm 1979, khi họ dính án “gian lận tài chính” và bị giáng hạng. Quãng đời đen tối ở những giải đấu cấp thấp kéo dài đến 7 năm và chỉ đến khi được Silvio Berlusconi ra tay cứu giúp, màu đỏ trên áo các cầu thủ Milan mới thắm trở lại. Đầu tiên, vị Thủ tướng Italia tương lai đã kéo “Nửa đỏ” của thành phố thời trang thoát khỏi tình trạng phá sản. Sau đó, ông đem về sân San Siro “kiến trúc sư” trứ danh Arrigo Sacchi cùng bộ ba người Hà Lan vô cùng nổi tiếng: Ruud Gullit, Marco Van Basten và Frank Rijkaard. Chính những người này đã mang về cho AC Milan vô số danh hiệu cả ở đấu trường trong lẫn ngoài nước, mà đỉnh điểm là cú đúp cúp C1 ở 2 mùa giải liên tiếp 1988-1989 và 1989-1990.


“Tre già măng mọc”. Khi Sacchi hết ý tưởng cho công thức chiến thắng, lập tức Fabio Capello xuất hiện. Vị HLV giàu thành tích nhất Italia (cho đến lúc này) đã cùng Rossoneri “đánh Đông dẹp Bắc” trong thập kỷ 90, “chở” về đại bản doanh 4 Scudetto, 1 chiếc cúp Champions League và 1 Siêu cúp châu Âu.


Nhưng dường như thuyết luân hồi vẫn không ngừng “vận” vào AC Milan. Sau thời thịnh trị cùng với Capello, đội quân của ngài Chủ tịch Berlusconi lại rơi vào suy thoái, khi không một lần chạm được tay vào chức VĐQG trong quãng thời gian từ 1996 đến 1998. Thế rồi bỗng nhiên, với Alberto Zaccheroni, vị HLV lúc đó còn ít tên tuổi, cộng thêm sự ủng hộ của thần May mắn, đội bóng này đã “lầm lũi” tiến một mạch đến Scudetto ở mùa giải 1998-1999, khiến không ít người bất ngờ.


Và dòng sông trở nên hiền hoà từ đó. Từ năm 2001, dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Carlo Ancelotti (cựu tiền vệ của chính .. AC Milan), con tàu Đỏ-đen lần lượt nhập lên boong thêm 1 danh hiệu Champions League, 1 Scudetto và 1 cúp quốc gia Italia


Mùa bóng 2006/2007 được xem là mùa bóng đầy cảm xúc của AC Milan. Đầu tiên là việc họ thiếu chút nữa phải thi đấu ở Serie B sau khi dính vào scandal tiêu cực. Tuy nhiên, những nỗ lực cuối cùng của đội bóng đã thành công bằng việc tiếp tục ở lại thi đấu ở Serie A nhưng bị trừ tới 8 điểm. Tưởng chừng truyền trưởng Ancelottti và con tàu AC Milan sẽ bị nhấn chìm trong bão tố khi mà UEFA cũng quay lưng lại với đội bóng. Cuối cùng thì mọi việc lại được giải quyết và Milan vẫn là đại diện của Italia tham dự Champions League.


Khởi đầu khá chệch choạc nhưng bằng kinh nghiệm của mình, Milan đã sống sót ở Serie A, thậm chí họ còn có được vị trí thứ 4 rất ấn tượng sau khi kết thúc mùa bóng. Điều đó đồng nghĩa với việc Milan chắc chắn có mặt ở giải đấu danh giá nhất châu Âu mùa bóng tới mà không phải lo lắng gì nữa. Tuy nhiên, đại thành công của Milan ở mùa bóng này chính là chức vô địch Champions League. Thầy trò Ancelotti bình tĩnh đi hết chiến thắng này tới chiến thắng khác và có được chức vô địch sau khi vượt qua Liverpool trong trận chung kết ở Athens.


Hiện tại, thành phần trong mùa bóng mới của AC Milan không có nhiều xáo trộn. Đội hình đã làm nên thành công gồm toàn các cầu thủ đã có nhiều năm thi đấu cho câu lạc bộ vẫn được giữ vững. Có thể nói, họ là những chiến binh sẵn sàng cống hiến toàn bộ sự nghiệp vì đội bóng.
Tính đến thời điểm này, Milan hầu như rất ít tham gia vào thị trường chuyển nhượng. Tân binh lớn nhất (và có thể coi là người duy nhất đã được kiểm chứng về mặt chất lượng) là tài năng 17 tuổi người Brazil, Alexandre Pato. “Chú vịt” đang được đánh giá là cầu thủ trẻ triển vọng nhất của xứ sở Samba. Giới chuyên môn đã bắt đầu để ý đến Pato kể từ khi anh có mặt trong đội hình CLB Internacional giành Copa Libertadores ở Nam Mỹ (tương đương với cúp C1 châu Âu). Sau đó, Pato còn tham dự giải VĐTG các CLB mà ở đó Internacional đã lên ngôi sau khi đánh bại “gã khổng lồ” Barcelona và cả trong màu áo ĐT U-20 Brazil ở giải vô địch U-20 thế giới tổ chức ở Canada hồi tháng 7 vừa qua. Tài năng này đã lọt vào mắt xanh của rất nhiều nhà tuyển trạch của các CLB nổi tiếng ở châu Âu nhưng bằng sự quyết liệt và “chịu chơi” khi dám bỏ ra tới 14,5 triệu Euro để giải phóng hợp đồng với CLB của Brazil, Rossoneri đã có được Pato.


Việc đầu tư vào Pato càng cho thấy xu hướng chuộng các cầu thủ đến từ xứ sở Samba của AC Milan. Rõ ràng đây là một thương vụ dành cho tương lai bởi phải đến tháng 1 năm 2008, Pato mới đủ tuổi để thi đấu cho Milan. Cũng không thể hy vọng Pato sẽ trưởng thành ngay nhưng chỉ khoảng một hai năm nữa thôi, họ sẽ có một “Kaka mới” đầy nguy hiểm và sức công phá của đội bóng lúc đó không biết sẽ khủng khiếp đến mức nào


Một cầu thủ đã từng tạo dựng được chút ít tên tuổi trong quá khứ: tiền vệ Ibrahim Ba cũng tới San Siro theo dạng chuyển nhượng tự do. Đây là con người chả mấy xa lạ với Milan vì anh từng có quãng thời gian thi đấu không mấy ấn tượng ở đây trong giai đoạn 1997-2003. Nhiều người đã cảm thấy rất khó hiểu trước quyết định chiêu mộ một cầu thủ đã 34 tuổi và đang “ngụp lặn” ở tận … Serie C của ban lãnh đạo AC Milan. Có lẽ nó là quyết định “tình nghĩa” hơn là mang tính “chuyên môn”. Ngoài 2 cầu thủ đó, ĐKVĐ Champions League cũng chiêu mộ thêm một vài cầu thủ trẻ còn ít tên tuổi trong đó đáng nói nhất là em ruột của Kaka, hậu vệ 21 tuổi Digao. Và đó cũng lại là một bản hợp đồng để lại nhiều dấu hỏi bởi khả năng của Digao đâu có gì vượt trội.


Tuy lực lượng không được bổ sung thêm nhiều nhưng Milan vẫn cho đi một số cầu thủ được đánh giá là không còn cần thiết ở CLB này. Đình đám nhất đến thời điểm này là Ricardo Oliveira, tiền đạo người Brazil được kỳ vọng rất nhiều ở mùa bóng trước đã phải đến với Zaragoza theo dạng cho mượn. Thủ thành Abbiati cũng chuyển đến Atletico Madrid, tương tự như Oliveira. Họ cũng bán Sammarco, Borriello, Storari và Donati, những cầu thủ “mãi không lớn” và vẫn được coi là ở dạng tiềm năng dù đã 25, 26 tuổi. Milan cũng đã phải chia tay với Alessandro Costacurta, chiến binh huyền thoại của đội bóng đã từ giã sân cỏ vì “tuổi cao sức yếu”. Tuy nhiên, Costacurta vẫn sẽ là người không thể thiếu của Rossoneri trong mùa bóng mới trên cương vị trợ lý cho Ancelotti.
Việc giữ lại được các trụ cột bị các ông lớn đeo bám hết sức quyết liệt như tiền vệ Kaka, Andrea Pirlo hay Gennaro Gattuso… được xem là thành công đối với AC Milan. Kaka được Real Madrid hết sức săn đón nhưng chủ tịch của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã tuyên bố “bó tay” với thương vụ này. Kaka đang được xem là ngôi sao sáng giá nhất hiện nay của bóng đá thế giới. Thành công của Milan ở mùa bóng 2006/2007 cũng gắn liền với tên tuổi của Kaka.


Đáng lẽ ra tiền đạo người Honduras là David Suazo đã là người của AC Milan trong mùa giải mới nhưng họ đã “nhường lại” cho “kình địch” cùng thành phố, Inter Milan. Rossoneri đã đạt được thoả thuận với CLB chủ quản của Suazo, Cagliari tuy vậy tiền đạo này lại đồng ý các điều khoản cá nhân với Inter dù chưa được sự đồng ý của Cagliar. Mọi chuyện trở nên vô cùng rắc rối nhưng cuối cùng đã được giải quyết êm đẹp. Milan đã “cao thượng” chủ động nhường Suazo cho Inter do cầu thủ này chỉ “một lòng một dạ” muốn gia nhập Nerazzurri.


AC Milan là đội bóng được đánh giá là ổn định nhất ở Serie A trong nhiều năm qua. Hiện tại, hầu hết các trụ cột của đội bóng đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp nhưng tất cả đều có kinh nghiệm chinh chiến trận mạc và đã thi đấu bên nhau được nhiều năm.


Ở khung gỗ, mặc dù đôi khi mắc sai lầm nhưng Dida vẫn là sự lựa chọn số một của Ancelotti. Thủ thành người Brazil vẫn được ưu tiên trong mùa bóng tới. Tuy nhiên, nếu không thi đấu ổn định, Dida hoàn toàn có khả năng phải nhường lại vị trí của mình cho Zeljko Kalac hoặc Valerio Fiori, những người đang khát khao thể hiện mình sau khi bị ngồi ghế dự bị quá lâu. Rất có thể sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong khung gỗ ở Milan.


Hàng thủ, Milan mất đi lão tướng Alessandro Costacurta nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến bộ khung. Lo ngại lớn nhất lúc này của Milan chính là sự già cả của tất cả các hậu vệ mà điển hình đó chính là “ông già”, đội trưởng Maldini. Mùa bóng vừa qua, Maldini mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng không thể đủ sức lực thi đấu với cường độ cao. Trung vệ Alessandro Nesta cũng đã 31 tuổi nhưng có thể cống hiến cho đội bóng thêm vài mùa bóng nữa. Cặp hậu vệ cánh chính thức: Marek Jankulovski (trái) và Massimo Oddo (phải) tuy xuất sắc nhưng đều không có ai dưới 30 tuổi. Trong số những cầu thủ dự bị, có thêm 2 “ông già” ngoài 35 tuổi: cựu đội trưởng ĐT Brazil, Cafu và Giuseppe Favalli. Vẫn còn Dario Simic cũng mới … 32, Kaladze xấp xỉ ngưỡng 30. Hậu vệ có khả năng được đá chính “trẻ nhất” là Daniele Bonera đã 26 tuổi nhưng mùa giải trước, anh không tạo được sự tin tưởng của HLV Ancelotti.


Trên hàng tiền vệ, Kaka là linh hồn của Milan còn Andrea Pirlo vẫn sẽ là nhà điều phối trận đấu tài ba. Bên cạnh đó, đấu sỹ Gennaro Gattuso và Clarence Seedorf cũng là những người không thể thiếu trong đội hình. 4 cầu thủ này sẽ là sự lựa chọn đầu tiên của Ancelotti. Yoann Gourcuff, Massimo Ambrosini, Cristian Brocchi, Serginho hay cả Ibrahim Ba luôn sẵn sàng vào sân để thể hiện mình mỗi khi được trao cơ hội. Với tất cả các tiền vệ này, Milan hoàn toàn có thể yên tâm với tuyến giữa của mình trong mùa bóng mới. Phù thủy Ancelotti biết cách bố trí một đội hình mạnh nhất với những cái tên này.


Có lẽ, hàng công của AC Milan đang là mối lo ngại nhất. Có bao nhiêu ngôi sao được chào mời nhưng hiện tại tất cả đều quay lưng với họ. Hiện họ có 4 tiền đạo thực thụ là Ronaldo, Alberto Gilardino, Filippo Inzaghi cùng tân binh Pato. Ronaldo và Inzaghi đã có tuổi và chắc chắn không thể thi đấu đỉnh cao thường xuyên được. Trong khi đó, Alberto Gilardino chưa bao giờ có được phong độ ổn định kể từ ngày anh đến với AC Milan. Gilardino không thường xuyên có các bàn thắng mặc dù anh nhận được trông đợi rất nhiều từ huấn luyện viên Ancelotti. Nếu mùa giải tới, tiền đạo người Italia tiếp tục không chứng tỏ được khả năng thì rất có thể vị trí của anh sẽ bị tài năng trẻ Pato chiếm giữ.


Rõ ràng, trong số những “đại gia” của Italia, AC Milan là đội có đội hình mỏng và cao tuổi nhất. Với lực lượng như thế này, rất khó để Milan có thể trải đều và thi đấu tốt trên mọi mặt trận vì tài năng thì không phải bàn cãi nhưng yếu tố thể lực không cho phép. Vì vậy, ban huấn luyện cần xác định mục tiêu trọng tâm để tránh khỏi việc quá “tham lam” dẫn đến mất “cả chì lẫn chài”. Mùa vừa rồi, Milan giành được Champions League cũng một phần là vì họ đã hết cửa ở Serie A nên toàn bộ lực lượng được dồn cho giải đấu đó.


Trong giai đoạn từ giờ cho đến khi thị trường chuyển nhượng đóng cả, Milan nên tiếp tục có những sự bổ sung cần thiết chứ không thể “keo kiệt” như hiện nay và tập trung chủ yếu vào những cầu thủ còn trẻ. Hiện tại, Milan đang cần người ở cả … 3 tuyến. Rossoneri nên tính đến những bước đi dài hơn và hình thành đội ngũ kế cận kịp thời nếu muốn duy trì liên tục thành tích. Bởi chỉ một vài năm nữa, hầu hết lực lượng đang có sẽ lần lượt nghỉ thi đấu. Mọi việc không thể chậm trễ được nữa rồi.


Ngay sau khi mùa bóng 2006/2007 kết thúc, lãnh đạo của Milan đặt mục tiêu vô địch ở …. tất cả các giải đấu tới mà họ tham gia. Nhưng xem ra, đó là điều”không tưởng” nếu như Milan không có một lực lượng dồi dào. Và tốt hơn hết, họ nên chọn một mục tiêu cụ thể: Serie A hay đấu trường châu Âu. Ancelotti và các học trò chắc hẳn có một mùa giải mới khó khăn và họ phải làm tất cả để bảo vệ danh dự của mình.

10:37 AM

0 góp ý

0 Góp ý:

Chưa có góp ý nào !

Gởi góp ý mới

<< Trở về