Xã hội văn minh. Kinh tế phát triển. Mặt bằng đời sống tăng lên. Đàn ông, thanh niên và cả phụ nữ đi giày nhiều hơn. Cứ nhìn ra đường mà xem, người đi giày nhiều hơn người đi dép. Đội ngũ những người làm nghề đánh giày tăng lên. Không chỉ là hình ảnh các chú bé đánh giày cho bọn sĩ quan, lính Pháp hay các công chức thời chống Pháp như trong truyện thiếu niên một thuở, ngày nay thanh niên và cả người lớn tuổi hơn cũng tham gia đội quân đánh giày. Đó cũng là một nghề kiếm sống lương thiện, một dịch vụ xã hội không cần hóa đơn đỏ.
Có điều, các chú bé đánh giày ngày nay tinh quái và lắm trò hơn so với các bậc tiền bối rất nhiều. Trong nền kinh tế thị trường, các chú buộc phải dùng tiền làm thước đo cho hành động. Gặp khách hàng có đôi giày mới, đẹp, loại đắt tiền mà lại "tinh vi" mải khoe mẽ cùng bạn gái là các chú áp dụng ngay kế 36 trong binh pháp Tôn Tử, "bốc hơi" ngay và để lại cho khổ chủ một đôi dép nhựa cũ mòn. Làm thế tuy xấu mặt một chút, nhưng bằng đến mấy ngày công cực nhọc ngoài đường chứ không phải chuyện đùa. Mà xấu là xấu cả làng đánh giày chứ đâu có chỉ được đích danh ai mà sợ. Trách nhiệm "tập thể" mà. Có một dạo, Hà Nội còn ồn lên thủ đoạn của các chú đánh giày nhè vào các anh có giày đẹp mải ăn sáng là chích ngay cho một đường "lam" vào đường chỉ khâu, khiến thượng đế buộc phải xì thêm tiền nhờ các chú quyệt cho một đường keo con voi dính tạm. Thủ đoạn này khiến nạn nhân không đau như bị mất giày, nhưng cứ ấm ách về đôi giày "mốt" mà lại bị dán keo.
Bọn công chức quèn chúng tôi phải chăng vì thế mà không khoái mấy chú đánh giày. Giày chúng tôi đi đa phần cũng chỉ là giày Tàu, hay cùng lắm là giày Quốc phòng mua ở đường Lê Duẩn, chứ tiền đâu mà sắm giày hàng hiệu trong siêu thị. Dẫu biết loại giày của mình không phải là mục tiêu cho các cao thủ "giày lâm" (thì hiểu na ná như "võ lâm" ấy mà) ra tay, nhưng kẻ nghèo thì mất một đồng cũng tiếc, nên chúng tôi cũng làm một bài mộc mạc là tự mua xi về, tự đánh giày. Trong con mắt chúng tôi, mấy chú đánh giày hơi bị coi thường.
Thế nhưng trong cuộc đời, vật đổi sao dời hay những chuyện như sớm nắng chiều mưa là chuyện thường ngày ở huyện. Sếp cơ quan tôi, một người có tới mấy cái bằng cấp và có tiếng trong giới làm ăn, một hôm bỗng nổi hứng cao giọng kể chuyện cho chúng tôi nghe về thân thế sự nghiệp của ông. Ông kể, thời trai trẻ ông sống rất cơ hàn. Đã có một thời gian dài, đâu tới hai ba năm gì đó, ông phải đi dánh giày để kiếm sống. Mà đánh giày ở một thị xã xa xôi chứ không phải được ở đất Kinh thành đô hội, xứ xở mơ ước của nhiều dòng tộc, nhiều miền quê, nơi có đông người đâu nhé. Vì thế phải bươn chải khắp mọi ngõ nghách tìm người có nhu cầu đánh giày. Một ngày ông đi bộ tới mấy chục cây số, còn hơn cả vận động viên điền kinh ngày nay luyện tập đi bộ hàng ngày. Mà đánh giày cũng không phải là nghề chính của ông đâu. Ông chỉ làm thêm việc đó để lấy tiền ăn học, nuôi chí lớn thôi. Một buổi đi học, còn một buổi cộng với ngày nghỉ đi đánh giày, chỉ có buổi tối là dành để học bài. Ông đã từng phải học bài dưới ánh trăng, dưới ngọn đèn đường. Thậm chí có thời gian ông phải bắt đom đóm cho vào cái lọ để lấy ánh sáng học bài (mắt Sếp tinh thật), giống như các cụ Lương Thế Vinh hay cụ Cao Bá Quát chăm học ngày xưa. (Lại phải kính xin lỗi hai cụ, nếu ngày xưa các cụ không như thế, nhưng cứ phải dẫn ra đây, vì Sếp chúng cháu bảo vậy mà). Chính cái sự cơ hàn vất vả đó đã nuôi ý chí, nghị lực phi thường cho Sếp chúng tôi học hành đỗ đạt và làm nên sự nghiệp ngày nay.
"Phải qua lao động và học tập vất vả như thế mới rèn luyện nên ý chí và nên người, chứ như các cậu bây giờ được cha mẹ cho ăn học tử tế, không phải làm gì vất vả thì còn lâu mới khá được". - Sếp kết luận.
Cả lũ nhân viên chúng tôi há mồm ra nghe Sếp tâm sự. Thật là phi thường, phục thật, phục thật. Chúng tôi còn trộm nghĩ là đáng lẽ Sếp chúng tôi còn phải lên cao nữa mới xứng tầm chứ chỉ cầm đầu cái đơn vị bé tẹo như cơ quan tôi, thật chẳng bõ bèn gì. Chúng tôi chỉ hơi tiếc một điều (cho bản thân chúng tôi thôi), là Sếp vốn tinh mắt và có tuổi trẻ quá gian nan, nên bây giờ việc gì Sếp soi cũng ác, và hơi căn cơ với chúng tôi.
Dù sao, Sếp vẫn là Sếp. Và bản tính của bọn công chức quèn chúng tôi thời nay là phải biết nịnh Sếp, không thì có ngày treo niêu. Biểu hiện rất rõ là chúng tôi lười tự đánh giày hơn. Chúng tôi đã nhìn bọn trẻ đánh giày với con mắt khác, và đã chịu khó vui vẻ để chúng đánh giày mỗi khi tụ tập ra quán uống nước. Chúng tôi có lo xa hơn một chút, chắc cũng không thừa. Biết đâu trong đám trẻ đánh giày đang hí húi làm việc trước mặt chúng tôi đây, có ai đó thành đạt và lên làm quan to, rồi làm Sếp của chính cơ quan có con cái của mình sau này thì sao?
7 Góp ý:
có uẩn khúc gì vậy bác
Hay hay... Bi rất khoái đọc những bài viết theo kiểu này.
Đọc khoái, ko bùn ngủ.
Câu nói " hoàn cảnh tạo nên con người " liệu có đúng ko anh nhỉ ? Giọng văn của anh trào phúng giống bậc tiền bối Vũ Trọng Phụng quá .Em thích đoạn kết .
Xin đưa bài viết của chú qua BẢN TIN: http://bantin.ngoisaoblog.com/index.php?mod=article&cat=truyentho&article=1175
Đúng là đời thường như bạn viết nhưng hay hơn là một bài viết rất trào phúng nó cứ giống như thật mà cũng thật và dân dã
em không đánh giày bao giờ nhưng đi theo bọn trẻ con đánh giày thì nhiều rồi ,hồi làm dọn cao ốc ở trung tâm thành phố em đi ăn cơm trưa với chúng hoài , chúng ma le nhưng lại rất dễ thương,theo chúng mới thấy cuộc đời người lớn thật là nhạt nhẽo em rất khoái chúng
» Để gởi góp ý mới, bạn cần đăng ký 1 tài khoản tại đây ! << Trở về