Sự tích quả dưa hấu @
Vào đời vua Hùng Vương thứ 8x, ở một vùng quê cách xa kinh đô Phong Châu, có một cậu bé mồ côi, thường theo người lớn săn bắt và đánh cá. Năm tám tuổi, cậu bé đi đánh cá xa bờ, cậu bé bị lạc và vô tình lạc đến kinh đô. Ở đây cái gì cũng lạ, không như ở làng quê của cậu. Một lần, cậu bé đang bắt cá dưới chân cầu thì gặp một ông lão ngồi chơi trên cầu, ông lão ngồi tung tăng thế nào mà rớt chiếc dép xốp, sẵn có cậu bé dưới chân đó, ông lão gọi: "nè nhóc, lượm giùm ngoại chiếc dép coi con". Cậu bé thấy ông lão hiền lành, nên lượm dép lên cho ông lão, vừa xỏ dép xong, ông lão lại ngồi đung đưa chân trông rất xì tin, và dép lại rớt nữa. Ông gọi: "Nhóc ơi, lượm giùm ngoại chiếc dép đi con". Hơi bực mình, cậu bé lượm dép lên cho ông lão, vừa lượm cậu vừa lầm bầm gì đó. Xỏ dép xong lần thứ hai, ông lão lại làm rớt dép lần thứ ba, không biết lần này là cố tình hay cố ý. Ông gọi: "Con ơi, lượm dép giùm ngoại cái đi". Lần thứ ba cậu bé bực lắm rồi, tính bỏ đi cho xong, nhưng nghĩ lại mình đã hai lần lượm dép rồi, lỡ dơ rồi, giờ có lượm thêm một lần nữa cũng không sao. Thế là cậu bé lượm dép cho ông lão. Thấy cậu bé dễ bảo, ông lão hỏi thăm và nhận cậu bé làm con nuôi. Ông lão đó chính là vua Hùng, nhân mấy hôm nay rảnh không có chuyện gì làm, lại nhàn cư vi bất thiện, nên vua Hùng ra cây cầu đầu làng kiếm chuyện chơi. Vua đặt tên cậu bé là Mai An Tiêm.
Lớn lên, Mai An Tiêm rất khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc. Ngày nào An Tiêm cũng vô phòng tập thể hình của kinh thành, bởi vậy An Tiêm có một thân hình lực lưỡng oai phong như lực sĩ thể hình, ngày nào cũng bị mấy cô gái fan hâm mộ dí chạy thục mạng, bị té lỗ mũi ăn trầu hoài, do đó không những thân hình cậu khỏe mạnh mà còn có cái mũi cũng to tổ bố. Thấy An Tiêm ngày nào cũng bị khổ sở với mấy cô gái chân dài chạy nhanh, vua Hùng cưới vợ cho An Tiêm và cho cả hai vợ chồng đi phá rừng, làm rẫy trồng trọt. Nguyên một vùng rừng núi dày đặc, ban ngày nắng không lọt vào rừng, ấy thế mà chỉ sau một thời gian vào tay của An Tiêm, cả khu rừng đã được đưa vào truyện cổ tích. Ông tổ của nghề phá rừng ra đời từ đó, ngày xưa chỉ có cái búa với cái rìu trong tay, mà An Tiêm đã hạ được khu rừng trong vòng 2 năm, bấy giờ mà có thêm cái cưa máy với cái xe reo, chắc chỉ cần 3 tháng là đồi trọc mọc lên như nấm mèo. Chỉ ít lâu sau, An Tiêm đã dựng được nhà cửa và gặt được nhiều thóc lúa chứa đầy kho, nhà An Tiêm làm bằng gỗ quí, đã được ghi vào sách đỏ, như là lim, mun, sến, táu, gụ.. Bởi thế nên mới có kẻ ganh ghét, vì An Tiêm không "biết điều" với chúng, nên bọn chúng tìm cách ton hót với vua Hùng.
Nhà Vua truyền lệnh đầy gia đình An Tiêm ra một hòn đảo hoang vắng ở biển Ðông. Sáng hôm đó, gió Nam thổi ào ào ngoài cửa biển, mười hai chiếc tàu chiến to gấp đôi tàu Titanic đã chờ sẵn. Bến cảng chật ních người đến xem, họ muốn xem cảnh tượng hi hữu nhất, hoành tráng nhất trong năm. Mọi người dẫm đạp lên nhau mà xem, thôi thì tiếng còi tàu, tiếng sóng vỗ, tiếng người la hét, chửi rủa ầm ĩ cả một không gian vốn không mấy gì tĩnh lặng. Mười hai chiếc tàu lớn đó đang hộ tống một chiếc ghe chở gia đình Mai An Tiêm và một bao gạo Thái Lan, ngoài ra không còn gì cả, nhà vua không cho chàng mang theo gì cả để xem còn nhờ Trời vào đâu. Nhìn cảnh đoàn thuyền đó giống như một con ruồi đang bay giữa bầy trâu. Sau năm ngày sáu đêm lênh đênh trên biển, đoàn tàu và ghe tới một hòn đảo hoang đầy cát trắng, họ để An Tiêm ở đó rồi.. kéo chiếc ghe không về.
Ngoài ít lương khô, không có một con dao hoặc một hột giống gì nữa. Vợ An Tiêm khóc. Chàng dỗ vợ: "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành phở". Vợ An Tiêm nhớ đến tô phở nghi ngút khói thơm lừng ở quán phở 24, bèn nuốt nước miếng cái ực rồi thôi khóc. Hôm sau, An-Tiêm kiếm được cành cây nhọn, liền đào đất xuống thật sâu và thấy nước ngọt để uống. Rồi chàng cùng các con bẻ cành cây, khuân đá sắp lại làm nhà trú mưa nắng, thất bất ngờ, nhà này chắc chắn hơn nhà tranh trong đất liền nữa, và nhà đá ra đời từ đó.
Vợ chàng xuống ven biển mò được cua, cá ăn thêm. Trong thực đơn hàng ngày của vợ chồng chàng chỉ món như lẩu hải sản, cá hồi, cá mập, mực một nắng, mực nướng, nghêu, sò, ốc, hến, tôm cua ghẹ.... Trên hoang đảo này chưa có rau cải gì, ăn hải sản hoài cũng ngán, cả gia đình An Tiêm chỉ mong có một ngày được ăn cơm sinh viên thôi, và họ cứ chờ mãi, chờ mãi đến ngày đó. Nhà của chàng ven biển nên được trang trí bằng san hô, ngọc trai,.. toàn là sản vật của biển. Cuộc sống của gia đình chàng vất vả là thế. Một đêm tháng mười, trời tối đen như mực, trong người thấy hơi khó chịu, muốn "đi", An Tiêm quờ quạng bước ra ngoài, tự nhiên có cái gì đau đau ở chân, thấy mặt đất tối sầm, đầu nổi cục u, chàng bị vấp cục đá té, và cái việc mà đáng lẽ phải ra ngoài kia làm thì bây giờ chàng không kiểm soát được nữa... chàng chửi thầm "tiên sư đứa nào bỏ đá ở đây", và để cho biết là mình giận cục đá lắm, chàng cúi xuống nhặt nó lên, lấy hết sức bình sinh ném thật mạnh vào hòn đá lớn hơn nằm cạnh đó, và hô "Mày hả bưởi!!!". Bất ngờ có một tia sáng lóe lên chỗ hai hòn đá chạm nhau. An Tiêm mừng quá, la lên "Ơ-rê-ca" và chạy lòng vòng ngoài bãi biễn tối thui, quên cả mình đang ở trong trạng thái mà đáng lẽ không nên chạy như thế. An Tiêm đã tìm được đá lửa. Nhờ kiếm được những viên đá lửa lớn, An Tiêm có lửa để nấu cua, luộc ốc, tối tối buồn thì có thể ngồi quây quần bên nhau đốt lửa nướng cá, sò, mực, vừa ăn vừa kể chuyện đời xưa, hay là hát hò... hát chán thì ra triền cát nằm lăn hay ngồi ngắm sao... một cảm giác rất Yomost!!!!
Một hôm...
"Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi,
Ngó qua ngó lại, trúng đuôi con gì...?"
Oái, có con chim trắng ở đâu bay tới, nó còn làm rơi hột gì đen đen từ sau cái đuôi của nó, An Tiêm tự nhiên tò mò, chạy ra nhặt thử, nhìn nhìn một lúc rồi đưa lên mũi ngửi thử. Bỗng nhiên chàng nôn thốc nôn tháo, mặt mày xanh lè xanh lét. Chàng phun nước miếng cái phẹt rồi đem mấy cái hột lạ đó trồng thử. Hàng ngày chàng chăm sóc chỗ gieo hạt rất cẩn thận, tưới nước thường xuyên, thậm chí có hôm hứng lên, chàng tưới cho cây cái mà sau ngày người đời gọi là urê gì gì đó. Mấy tháng sau, những hột ấy mọc thành những cây nhỏ bò lan trên mặt cát. Cây có nhiều trái màu xanh thẫm to bằng đầu người lớn. An-Tiêm hái một trái đem về cho cả nhà ãn thấy ruột đỏ mà ngọt, lại có lắm nước, ăn một miếng, mát cả vào trong ruột mát ra... Thế là An Tiêm liền trồng thêm nhiều nữa.
Ðến khi dưa có nhiều trái rồi, ăn không hết nên An Tiêm dùng que nhọn vạch chữ vào, thả xuống biển cho trôi đi khắp nơi. Thuở hàn vi, vì nhà nghèo nên không được đi học, An Tiêm không biết chữ, sau này khi được làm con nuôi của vua Hùng, mấy lần định đi học nhưng chưa được, vì mới ló mặt vào lớp là các cô nàng cứ nhìn chàng không chớp mắt, mơ mộng điều gì đó, không tập trung học được, bị thầy cô giáo la hoài. An Tiêm thấy vậy tội nghiệp nên chàng quyết định nghỉ luôn. Chàng cũng tính đi học lớp xóa mù buổi tối, nhưng chưa kịp học thì chàng đã thành chúa đảo rồi, vậy là chàng không biết chữ. Bởi vậy những chữ An Tiêm khắc trên quả dưa, có vài chữ được lưu truyền tới ngày nay và các nhà khảo cổ học vẫn đang tìm hiểu đó là chữ gì. Tiếp chuyện chàng thả dưa trôi ra biển, thuyền buôn qua lại, vớt được trái này, ăn thấy ngon, liềm tìm tới đảo, đổi hàng hóa, vải, gạo lấy những trái đó đem đi các nơi bán. Ðó là trái dưa hấu, tức quả dưa đỏ.
Tiếng đồn về "quả dưa đỏ" đến tai vua Hùng. Vua biết tài của An Tiêm nên cho cả gia đình An Tiêm trở lại đất liền. Lần này vua lại phong thưởng cho cả gia đình An Tiêm và khuyên chàng dạy cho mọi người cách trồng dưa. Nhờ đám đồi trọc chàng khai thác dạo trước, nay đã thành vườn dưa, An Tiêm nghiễm nhiên trở thành chủ vựa dưa lớn nhất nước Văn Lang, và thương hiệu Dưa Hấu Đỏ đã được chàng đăng kí bảo hộ độc quyền, kể từ đó, nước Vãn Lang có thêm loại dưa hấu đỏ vừa để ăn, vừa để bán.
Bây giờ, An Tiêm không còn, vựa dưa không còn, thương hiệu Dưa Hấu đỏ không còn, nhưng những vết tích còn sót lại của nó thì một số người nói vẫn còn, một số người nói không, còn khoa học thì đang chứng minh.
0 Góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trở về