» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình
Thứ Hai, ngày 31 tháng 03, 2008

Trúc Hà: Người hùng trên biên giới Cao Bằng.
Điểm Ngôi sao Blog: 6 (1 lượt)
| Bình chọn:
CHUYỆN NGƯỜI LÍNH QUÂN HÀM XANH ĐẶC BIỆT
          Là người lính từng ngược xuôi trên biên giới, chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ trở thành Bí thư Đảng uỷ xã. Từ một người lính quân y, trở thành cán bộ tăng cường xã và anh là người duy nhất trong lực lượng biên phòng được Thường vụ Đảng uỷ huyện Hạ Lang, tỉnh Cao bằng ra quyết định bổ nhiệm tham gia Ban chấp hành Đảng uỷ xã và giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ xã. Đó là Thiếu tá Lê Văn Sơn, công tác tại BCH BĐBP Cao Bằng.
Người thầy thuốc quân hàm xanh
Gặp anh tại một hội nghị, Thiếu tá Lê Văn Sơn không khác những gì tôi nghe mọi ngưòi khể trước khi gặp: dáng cao, đậm, nước da nâu và đôi mắt sáng. Anh tóm tắt quá trình công tác rất đơn giản: sinh năm 1965 tại Đông Đạt, Phú Lương, Phú Thọ. Từ khi tốt nghiệp trường Y Quân khu 1 (Thái Nguyên) khoá 1983 – 1987, anh gắn bó luôn với lực lượng BĐBP tỉnh Cao Bằng. Những năm 1987 – 1999 là thời gian anh ngược xuôi trên tuyến biên giới làm nhiệm vụ của người thầy thuốc quân hàm xanh. Lúc ở Trà Lĩnh, lúc ở Lý Quốc, có lúc lại về làm trợ lý quân y ở BCH BĐBP tỉnh. Tháng 3 năm 1993, là cán bộ tăng cường xã trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân xã Quang Long huyện Hạ Lang nhiệm kỳ 2004 – 2009.
          Công việc của người lính quân y đã giúp anh hiểu phong tục của đồng bào và được nhân dân yêu mến. Nói đến Thiếu tá Lê Văn Sơn, ai cũng có thể kể những câu chuyện về anh. Tháng 8/1993, anh nhận công tác tại đồn Lý Quốc. Để hiểu thêm về địa bàn, anh thường cùng đi cơ sở với Đồn phó Trinh sát lúc bấy giờ là anh Lý Việt An. Lần đấy, hai anh em đến bàn xóm Nà Quản xã Minh Long. Đến gia đình anh Nông Văn Hiếu thì biết con gái anh Hiếu là cháu Nông Thị Hạnh (mới 7 tuổi) đang bị sốt cảm nhập tâm (nguyên nhân do vi rút, sốt cao dẫn đến bị co giật).

         Tuy là giáo viên nhưng anh Hiếu cũng chỉ nghĩ con mình ốm bình thường, hơn nữa trạm xá thì xa, đường đi lại khó khăn. Đã chiều, nhưng anh quyết định cắt đường rừng quay lại đồn lấy thuốc vì nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng cháu Hạnh. Quay  trở lại nhà anh Hiếu thì trời đã tối. Không kịp ăn gì, anh vạch ngay ra phác đồ điều trị: phải hạ sốt, truyền dịch, trợ tim, trợ sức. 5 ngày sau đó anh ở lại gia đình để theo dõi tình hình và chăm sóc cho Hạnh. Khi Hạnh khoẻ hẳn cũng là ngày khai giảng năm học mới. Bây giờ đã chuẩn bị tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư phạm Cao Bằng, Hạnh vẫn nói: “Nếu con là con trai, nhất định con sẽ làm bộ đội biên phòng như bố Sơn”. Và em Hùng, em Thọ, em Xuân cũng trở thành con của y sỹ Lê Văn Sơn như vậy.

             Qua nhiều lần khám, chữa bệnh tim cho bà Nông Thị Bạch (dân tộc Nùng, ở xã Lý Quốc) và người thân trong gia đình, bà đã nhận y sỹ Sơn làm em nuôi vì : “em Sơn không chỉ là thầy thuốc chữa bệnh mà còn tốt bụng, phong tục gì của người Nùng cũng biết. Em Sơn đúng là ngưòi Nùng rồi, không phải là người Kinh nữa”. Thế nên nhiều người vẫn gọi trêu anh là “người đa sắc tộc”. Đôi khi, anh được tín nhiệm mời làm quan lang (người đi xin cưới) cho gia đình có đám cưới. Làm quan lang không những phải nói được tiếng của dân tộc mà những lời đối đáp với nhà gái phải ứng khẩu luôn thành bài thơ, bài hát. Nếu không nhà trai không những bị coi là “yếu thế” lại còn phải khênh quan lang về vì say rượu phạt. Thế mới biết tiếng Tày, Nùng của anh dường như đã trở thành tiếng mẹ đẻ.

          Mọi người vẫn kể cho nhau nghe như một niềm tự hào về chuyện Cuối tháng11/2006, Thiếu tá Lê Văn Sơn từ xã Quang Long về xã Thị Hoa nhận nhiệm vụ mới. Không hẹn trước nhưng Chủ tịch xã Lăng Chu Thoòng, Bí thư Nông Văn Cường, Phó Bí thư Nông Văn Phú,  Phó Chủ tịch Toàn Xí Lùng và nhiều người khác đã đã dùng xe máy chở đồ đạc, đến “giao tận tay” anh Sơn cho Đồn BP Thị Hoa mới an tâm ra về.
Bí thư xã duy nhất trong lực lượng biên phòng
Tháng 11- 2006, nhận công tác tại xã Thị Hoa đến ngày 1 - 6 – 2007, Thường vụ Huyện uỷ huyện Hạ Lang quyết định bổ nhiệm Thiếu tá Lê Văn Sơn tham gia Ban chấp hành Đảng uỷ xã Thị Hoa và giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ. Đó là điều chưa từng xảy ra kể từ khi thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ BĐBP với các huyện uỷ các huyện biên giới và chủ trương giới thiệu đảng viên về sinh hoạt tạm thời tại các Chi bộ xóm sát biên.
Thị Hoa là một xã vùng cao biên giới của huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, có đường biên giới dài 17,5 km. Trong xã có 02 dân tộc Nùng, Tày diện tích tự nhiên là 3.150 ha, 340 hộ với 1.704 nhân khẩu. Xã có gồm 11 xóm hành chính với 10 chi bộ Đảng, trong đó có 6 chi bộ xóm biên giới. Mặt bằng chung về kinh tế, dân trí chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần (tỷ lệ đói nghèo còn chiếm 45%). Một phần do trình độ cấp uỷ Chi bộ xóm còn hạn chế, một phần phải lo toan cuộc sống nên trong nhiều năm, Đảng uỷ xã Thị Hoa không phát huy hết vai trò của  mình.

          Từ khi nhận nhiệm vụ tại xã Thị Hoa, lại là “hộ độc thân” (gia đình anh vẫn ở Phú Thọ) nên anh vẫn đùa “mình là thành phần ngủ giường cá nhân, làm việc tập thể”. Với kinh nghiệm là cán bộ tăng cường xã, đại biểu hội đồng nhân dân anh đã chủ dộng tham mưu cho Đảng uỷ xã xây dựng kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ đến các Chi bộ xóm bản. Bên cạnh tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế – xã hội, tích cực củng cố các tổ chức đoàn thể  quần chúng như tổ phụ nữ, đoàn thanh niên và phát triển Đảng viên mới. Đây là lực lượng xung kích, có khả năng phát huy sức mạnh mang lại hiệu quả cao trong công việc. Từ đó chất lượng hoạt động của các Chi bộ thôn bản, Chi bộ xóm nói riêng, đã được nâng lên một bước.

         Anh chỉ đạo bổ sung các loại sổ sách như soạn thảo nghị quyết, sổ ghi danh sách đảng viên, sổ ghi biên bản, sổ thu chi đảng phí. Hàng tháng các Chi bộ đều ra nghị Quyết lãnh đạo, tổ chức sinh hoạt định kỳ. Đó là những việc từ trước nay chưa có trong khái niệm của nhiều Bí thư chi bộ. Đối với vấn đề phát triển kinh tế: Chú trọng nhân dân chuyển dịch kinh tế, sản xuất theo hướng thị trường hàng hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình mới vào phát triển kinh tế trên một diện tích đất.

            Năm 2007, các xóm biên giới chuyển diện tích trồng ngô sang trồng mía nguyên liệu xuất khẩu sang huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc được 79,6 ha, đã nâng đời sống cho nhân dân ở Thị Hoa lên một bước mới. Bởi thời gian thiếu nước ở Thị Hoa kéo dài, khiến cho 51% diện tích của xã thiếu nước. Cây mía lại phù hợp với đất hạn, lại được hướng dẫn trồng đúng kỹ thuật nên cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Nhiều gia đình như nhà ông Phia Đán trồng 5 tấn mía giống, mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng, trong khi trồng nghô chỉ được 5 triệu. Hoặc trồng lúa trước đây, tính bình quân hàng năm chỉ đạt hơn 400kg/ người.
Khi hỏi anh kinh nghiệm của người Bí thư để được tính niệm, anh cười: “Cán bộ tăng cường xã, đảng viên sinh hoạt tạm thời hay không tạm thời tại các chi bộ, xóm biên giới phải coi như mình đang làm việc cho nhà mình. Đối với công việc, phải tâm huyết, chịu khó học hỏi nghiên cứu bám sát chủ trương chỉ đạo của cấp trên. Khi tham mưu, phải đưa ra các biện pháp tham mưu đúng và trúng để xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh và xóm bản vững mạnh về mọi mặt”.
 Trúc Hà
  
Truc Ha >> 04:50 PM 1 góp ý