Thứ Ba, ngày 18 tháng 03, 2008 |
tiếp bài trước
|
|||
Đáng nhẽ ra là sớm mai tớ mới post bài này lên nhưng vì mai cơ quan đi tặng quà cho trẻ em khuyết tật ở tận Hải Phòng nên không online được. Đành post sớm vậy chứ không phải tớ tham 1 ngày post mấy bài đâu nhá!
BÀI 2: ĐẾN NÀ LÈNG GẶP NGƯỜI KHÔNG HỌC ĐẠO Mới chiều hôm trước đi vào xóm Lũng Cuổng trời còn nắng chang chang, vậy sáng sớm trời đổ mưa tầm tã, không có dấu hiệu ngớt. Phó đồn trưởng Trinh Sát, Đại úy Chu Văn Đồng nhìn tôi cười: "Mưa thế này liệu chị có đi được không?". Được sự mở đường của anh, tôi quyết định "xin" anh một phiên dịch để lên đường.Gặp tỷ phú Nà Lèng Thôn Nà Lèng có 22 hộ gồm 129 khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông đã sống ở đây qua nhiều thế hệ. Nguồn nước nhiều nên 2/3 số hộ ở Nà Lèng có thủy điện nhỏ để sử dụng. Tỷ lệ con em được đi học cấp 2, cấp 3 cũng không ít. Do diện tích đất canh tác rộng, lại mầu mỡ nên dù xa trung tâm xã nhưng cuộc sống nơi đây cũng không thua kém so với các bản khác ở xã Cô Ba. Phiên dịch của tôi lần này là binh nhất La Trung Kiên, người dân tộc Mông, cũng ở Cao Bằng. Kiên vừa tốt nghiệp lớp 12, nhập ngũ vì một lý do duy nhất: "Em muốn được trở thành người lính Biên phòng". Trời mưa to, đường lại dốc, chúng tôi cứ lầm lũi đi. Sau gần 3 tiếng đi bộ, những ngôi nhà đầu tiên của xóm Nà Lèng hiện ra trước mắt nhưng cũng phải 30 phút sau chúng tôi mới vào được xóm vì phải đi vòng qua núi. Có kế hoạch từ đầu nên chúng tôi vào thẳng nhà Vừ A Lềnh, người đàn ông làm kinh tế giỏi nhất xã Cô Ba. Ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, lợp prôxingmăng của A Lềnh nằm giữa xóm. Không giống những nhà khác, gầm sàn không nhốt trâu, bò mà được quây lại để xe máy và máy xát gạo. Đi lên hết cầu thang rộng 2 m được làm từ gỗ sa mộc, chúng tôi thấy A Lềnh đang cùng cô con gái Vừ Thị Vân cho lá hồi vào nồi chưng cất tinh dầu. Thấy chúng tôi đến A Lềnh khoe ngay: "30.000 gốc hồi trồng từ năm 2002 cho thu hoạch lần hai rồi. Bộ nồi chưng cất này tôi mua từ Trung Quốc giá 4 triệu đấy, nhưng giá tinh dầu đắt nên chẳng mấy chốc gỡ được vốn đâu. Mình đang cố gắng làm hết hôm nay vì mai đi Hà Nội dự Hội nghị đại biểu Người sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần 3 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức rồi ". A Lềnh dáng chắc nịch, khuôn mặt tròn phúc hậu và nụ cười tươi làm anh trẻ hơn tuổi 45 của mình. Chúng tôi đi tham quan rừng sa mộc, hồi của A Lềnh, chợt nghĩ: Nếu con đường ô tô từ trung tâm xã Cô Ba lên bản Nà Lèng sớm được khởi công và hoàn thành thì anh A Lềnh đây sẽ trở thành tỷ phú. Bởi 60.000 gốc sa mộc, hồi được trồng năm 1998, trải dài từ bản Nà Lèng tới giáp xã Thượng Hà đã bắt đầu cho thu hoạch. 3.000 gốc chẩu năm nào cũng cho hạt, mang sang chợ Pắc Nậm, huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây bán được 2 đến 3 triệu đồng. Đàn bò 24 con, con nào cũng béo tốt vì đêm về còn được nhai những gánh cỏ của cậu con trai Vừ A San. Vợ cùng cô con gái Vừ Thị Vân năm nào cũng gieo gần hai chục cân thóc giống. Hỏi về đạo Vàng Chứ (Chúa trời được gọi theo tiếng Mông), A Lềnh khẳng định: " Ở Nà Lèng hầu như ai cũng đi học đạo. Đi họp, bán bộ nói ở đây chưa đăng ký, như vậy là họat động trái pháp luật. Tôi không đi học đạo vì phải chăm rừng, làm ruộng biết bao nhiêu là việc. Không có thời gian đi cầu nguyện đâu". Khuya, cái lạnh khiến cho đêm Nà Lèng trở nên tĩnh mịnh đến lạ thường. Bỗng tôi giật mình bởi bài hát thánh ca vang lên đâu đó. Kiên giải thích: "Ở đây, đi đâu người ta cũng mang theo đài để nghe thánh ca chị ạ". Mới và cũ "Theo đạo để đám ma, đám cưới không còn tốn kém", “cầu nguyện sẽ không bị ốm, nếu bị ốm chỉ cần cầu nguyện sẽ khỏi’.... Người Lũng Cuổng, Nà Lèng vẫn “rỉ tai” nhau như vậy. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi theo đạo Tin Lành, chỉ có một số thay đổi trong các nghi thức. Năm 2006, chị Vàng Thị Día (xóm Nà Lèng) làm cỗ mừng nhà mới. Chị Día mang sang nhà mẹ chồng biếu đĩa thịt gà nhưng lại không nói gì. Mẹ chồng thấy bực trong lòng vì sự im lặng của con dâu liền mang trả và nói với hàng xóm về thái độ của chị Día. Chị Día biết chuyện, giận mẹ chồng, ăn lá ngón tự tử. Đám ma của chị Día không có kèn, trống, không có thầy Tào về cúng nhưng vẫn theo phong tục cũ, gia đình chị vẫn thịt bò, lợn và mọi người ăn 2 ngày, 2 đêm mới đưa xác chị Día đi chôn. Cũng năm 2006, con trai thứ của ông Sần Phụ Kính (ở xóm Lũng Nà) lấy vợ. Cả nhà theo đạo và có con trưởng là trưởng nhóm đạo nên đám cưới theo kiểu mới: không cúng bái, không uống rượu. Tuy nhiên vì gia đình có điều kiện nên đám cưới vẫn ăn uống 3 ngày liền, thịt mất 7 con lợn. Vẫn như phong tục, họ hàng nhà gái từ già đến trẻ con chưa biết đi đều đến nhà trai ăn cỗ. Lúc về, mỗi người được làm quà bằng một khúc thịt chừng 1kg. Phó nhóm Vàng Lao Mán (nhóm đạo Nà Lèng), nói: "Người thờ phụng Chúa Trời không gây mâu thuẫn, không đánh nhau..." Ở Lũng Cuổng, không ai lạ gì cái tên Chằn Phin. Chằn Phin ở xã Thượng Hà, vợ chết, lấy vợ mới ở xã Hồng Trị. Đến Lũng Cuổng, sau khi nói về sức mạnh siêu nhiên của Chúa trời, Chằn Phin nói: Muốn biết đạo Thìn Hùng thế nào thì mọi người hãy nộp tiền để tôi xuống Hà Nội mua kinh thánh, thánh ca". Tò mò và sợ không biết Thìn Hùng là gì mà ghê gớm vậy liền mang tiền giấy, bạc đưa cho Chằn Phin. Thu tiền xong, Chằn Phin đi thẳng vào miền Nam và không bao giờ trở lại. Hay chuyện nhóm phó lợi dụng việc nhóm trưởng không biết chữ, tranh thủ những lần về trụ sở Tổng Hội thánh Tin lành miền Bắc, Việt Nam ở Hà Nội khai trích lý lịch để được cấp giấy chứng nhận là nhóm trưởng gây xích mích suốt một thời gian dài. Ông Hứa Trọng Bằng, Phó Chủ tịch xã Cô Ba cho biết: Hiện tại, chính quyền xã thụ lý và giải quyết vụ tranh chấp đất đai ở bản Lũng Cuổng (ở đây không tiện nêu tên). Chuyện là: Một gia đình nó có cô con gái đi lấy chồng. Theo phong tục, anh chồng đến ở rể. Hai vợ chồng được bố mẹ vợ chia cho 1 vạt nương gọi là của hồi môn. Được hai năm, thì chàng rể quyết định đưa vợ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. |
|||
|
1 Góp ý:
Ký của bạn viết ấn tượng đấy nhưng nếu có thể bạn bổ sung thêm hình ảnh vào bài viết chắc chắn sẽ đưa người đọc về gần hơn với vùng đất và con người mà bạn viết.
Gởi góp ý mới
<< Trở về