Press and P.R. Sổ tay QUAN HỆ PR - BÁO CHÍ:
“Môi hở răng lạnh”?
Ngày nay, hoạt động truyền thông ít nhiều gắn liền với hoạt động quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, nên quan hệ giữa PR và báo giới cũng phải “theo kịp thời đại”. Từ góc độ người trong cuộc, chúng tôi xin ghi nhận một số điều đáng lưu tâm trong mối quan hệ này.
1. Đã có nhà báo trở thành PR và cũng đã có PR trở thành nhà báo. Một nhà báo đàn anh cho hay, ở Mỹ, nhiều phóng viên sau một thời gian làm nghề, chuyển sang làm PR cho doanh nghiệp. Tại VN, bước chuyển này đã dần dà phổ biến. Bởi với vốn liếng “quan hệ rộng, đầu mối thông tin tốt”, nhà báo có nhiều lợi thế khi bước vào lãnh địa PR. Doanh nghiệp nào mà chẳng muốn tuyển dụng một PR nguyên là phóng viên có tên tuổi, kinh nghiệm, quan hệ tốt với người trong và ngoài giới báo chí?
Tới nay, theo ghi nhận của chúng tôi, đã có một số nhà báo nữ về làm PR cho một công ty kinh doanh nhà đất, càphê, trung tâm Anh văn, tư vấn du học… Sau một thời gian biến mất trên mặt báo, họ “tái xuất giang hồ” với các đồng nghiệp báo bạn trên danh nghĩa mới: “Bây giờ tớ đã làm PR cho… Cậu nhớ ủng hộ thông tin nhé!”. Làm sao mà không “ủng hộ” cho được nếu như mình thấy tin về hoạt động của doanh nghiệp nọ đáng đăng?
Và tuy hơi hiếm, nhưng cũng đã có PR trở thành phóng viên. Anh T.-sau một thời gian làm P.R. cho một công ty tư vấn du học, đã phấn đấu trở thành phóng viên một tờ báo. Bước chuyển này có phần khó khăn hơn, do “lính mới” trong nghề báo phải tích lũy từ vốn kiến thức xã hội rộng, đến kỹ năng giao tiếp, khai thác nguồn tin… và có phạm vi hoạt động rộng gấp nhiều lần môi trường doanh nghiệp khi anh ta còn làm PR.
2. “Thông cáo báo chí. Để đăng ngay”-Rất nhiều nhà báo “dị ứng” với “mệnh lệnh” này khi nhận được thông tin từ PR. “Nó làm như nó là mẹ, là bố mình vậy. Đăng hay không, đăng như thế nào, đó gần như là quyền phán xử, định đoạt của ban biên tập. Nhiệm vụ của phóng viên là viết, viết sao cho chân thực, độc đáo, nóng hổi”-nhà báo không khỏi nghĩ ngợi thế. Càng thêm ngạc nhiên là nhiều công ty PR lạm dụng “mệnh lệnh” trên tự hào là họ “có tầm chuyên nghiệp quốc tế, hiểu biết văn hóa địa phương”.
Cho nên, một thông cáo báo chí tốt, đáp ứng tối đa yêu cầu của phóng viên là đảm bảo cung cấp lượng thông tin đầy đủ, nếu chuyên biệt cho từng báo thì càng tốt. Bởi mỗi báo phục vụ đối tượng bạn đọc khác nhau, nhu cầu nắm thông tin ít nhiều khác nhau. Một khi PR đã gởi thông tin, cách tốt (và tế nhị) nhất là đợi chờ (trong hồi hộp), dù có bị áp lực của khách hàng. Bởi nếu PR nôn nóng gọi lại hỏi thăm “Cái tin của em tới đâu rồi anh?”, phóng viên dễ có cảm giác mình đang bị “đòi nợ”, “dí chạy tới bến”.
3. “Anh viết dùm em một phóng sự thật “hoành tráng” vào. Phóng sự về… một sản phẩm mới được tung ra trên thị trường..”-đấy là “lời đề nghị khiếm nhã” của một PR “kém hiểu biết”. Ngoại trừ những trang báo “được đặt mua”, không có tờ báo nào có liêm sỉ mà lại đăng tải “phóng sự về sản phẩm”. Với những tờ báo uy tín hàng đầu với bạn đọc, ngay cả một cái tin nhỏ về sản phẩm còn chưa chắc “đi” được nữa là.
Vậy thì làm thế nào để phóng viên “cảm” được thông tin mà PR (và khách hàng) muốn chuyển tải đến bạn đọc trên mặt báo? Cách tốt nhất là hãy theo dõi những dạng thông tin mà mỗi tờ báo “chuộng”, hỏi ý phóng viên có quan tâm đến lĩnh vực, đề tài liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình đang cần quảng bá. Một phóng viên có kinh nghiệm sẽ biết mình nên xử lý thông tin thế nào để viết tin, bài đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc. Nếu cảm thấy thông tin từ PR không phù hợp, chắc chắn anh ta sẽ từ chối vì không thể đi ngược lại tôn chỉ của mình và tòa soạn.
4. Một điều “tế nhị” không thể không nói tại mỗi buổi họp báo: có một số phóng viên “không mời mà đến”, làm PR “không biết xử làm sao”. Quả thật, trong làng báo cũng còn tồn tại những người kém tự trọng, đi họp báo vì “một cái gì đó” hơn là thông tin. Trong quá trình làm nghề, PR có kinh nghiệm sẽ nhận ra đâu là những nhà báo đam mê nghề nghiệp thật sự. Đó là những người mà PR cần “tham vấn” mỗi khi viết thông cáo báo chí, tổ chức sự kiện, họp báo.
Trong ngày 21/6, một nhà báo nhận được một cú điện thoại từ PR một doanh nghiệp lữ hành chúc mừng “Ngày Nhà báo VN”, đồng thời cũng là lời tạ lỗi: “Năm nay, công ty em không tổ chức tiệc mừng nhà báo được, do mấy lần trước, đều có những nhà báo không mời mà đến, hoạch họe đủ thứ…”. Nghe mà buồn cho những người mang danh “làm báo” mà thiếu… liêm sỉ-đức tính cần thiết của nhà báo.
5. Nhà báo làm… PR. Thời gian qua, một số nhà báo đã tổ chức họp báo, mời đồng nghiệp đi dự họp báo dựa trên mối quan hệ thân thiết với báo này báo nọ. Chuyện này đáng lo hơn đáng mừng, vì nhà báo rõ ràng đang “đá lộn sân”, tạo nên ánh mắt nghi ngại từ phía các đồng nghiệp báo bạn. Một cái tin, một bài không thể viết vì “nể bạn, quen quá không giúp cũng kỳ”. Thế nhưng chiều ngược lại, PR “trổ tài” làm báo, nếu viết được những bài hấp dẫn, độc đáo thì rất đáng khuyến khích.
6. Đã có một sự liên tưởng, ví von quan hệ PR - báo chí giống như… “môi hở, răng lạnh”, tựa như quan hệ của hàng không-du lịch… Thật ra, để quan hệ PR-báo chí bền vững, không gì hơn nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Nghĩa là PR “hiểu” công việc làm báo có tôn chỉ riêng, đồng thời nhà báo không để ngòi bút của mình bị lạm dụng, “tác động” bởi “mồi “của PR. Cầu cho mối quan hệ PR - báo chí tại VN ngày càng tích cực hơn, chứ không phải.. đen theo màu mực trên giấy trắng!
|
0 Góp ý:
» Để gởi góp ý mới, bạn cần đăng ký 1 tài khoản tại đây ! << Trở về