My job - my passion NGÔ BÁ NHA-PHÚT NÓI THẬT: “Làm báo là việc tôi yêu thích, làm tốt nhất!”
Đã có những lúc gặp trúc trắc trong nghề báo, tôi “tự vấn”: Đây là việc mà mình sẽ làm suốt đời sao? Không phải là lần đầu tiên tôi đặt ra câu hỏi đó, và các bạn đồng nghiệp hiểu tôi muốn nói gì.
Vào những buổi tối chạy về tòa soạn lúc 8-9 giờ trong lúc đói “bạc mặt” để kịp bài viết cho số báo ra ngày hôm sau, và trở về nhà lúc gần nửa đêm trong khi các bạn trẻ cùng tuổi đang vui vẻ đi chơi, đôi khi tôi đã từng tự hỏi: Liệu mình có đủ sức đeo đuổi nghề báo suốt đời?
Nhưng rồi bao giờ cũng thế, chỉ ngày hôm sau, khi bài viết của mình xuất hiện trên mặt báo, hoặc khi nhận được những cuộc gọi phản hồi của bạn đọc, biết rằng bài báo của mình có ích cho mọi người, là câu hỏi đó không còn vương vấn nữa. Dĩ nhiên, đây là việc tôi yêu thích, là việc tôi làm tốt nhất, là việc tôi sẽ tiếp tục làm!
Theo tôi, một khi đã làm báo, bạn phải hiểu công việc của mình, xác định được vai trò của mình và làm công việc đó thật tốt. Phương Tây gọi báo chí là quyền lực thứ 4 (bên cạnh các cơ quan hành pháp, lập pháp, tòa án). Tôi muốn nhìn nhận nghề báo từ một góc độ đơn giản hơn: người làm báo là người đi tìm sự thật và tường thuật lại sự kiện.
Dĩ nhiên, bạn không muốn làm người kể chuyện nông cạn thông thường, rằng chuyện như thế, ông ta nói thế này, bà ấy nói thế kia. Bạn muốn đào sâu, đi vào cội rễ, ngóc ngách của sự kiện, bạn muốn trình bày cho độc giả một tầm nhìn, giúp họ có đủ thông tin để đưa ra những phán xử riêng của mình.
Bạn sẽ không thể nhảy vào, ngồi chễnh chệ trong bài báo, rồi đưa ra những phán xét riêng của mình một cách sống sượng. Muốn làm việc đó, hãy trở thành một nhà bình luận, nhưng xin nhớ rằng để làm nhà bình luận, bạn phải là người cực kỳ hiểu biết, có trách nhiệm với từng câu chữ mình viết ra.
Theo tôi, đã chọn nghề báo, bạn cần tự nhắc mình luôn cầu tiến và ham học hỏi. Cái đáng sợ nhất đối với người làm báo là sự bằng lòng với mình, hài lòng với quyền lực báo chí mà mình cho là mình có, và lạm dụng nó. Với người làm báo, học hành không bao giờ là quá muộn: khi đi phỏng vấn, viết bài, lúc đến một miền đất lạ, khi tiếp xúc với những người chưa quen-tôi nghĩ nay đều là những cơ hội học hỏi cho người làm báo, một “đặc quyền” của người làm báo mà không phải nghề nào cũng có được.
“ĐƯỢC-MẤT” của nghề báo là gì?
Bây giờ, tôi không còn đặt câu hỏi đó cho mình. Đơn giản tôi nghĩ rằng mình đã, đang và sẽ “ĐƯỢC” rất nhiều: được đi nhiều, được gặp nhiều người, được chứng kiến sự đổi thay, chứng kiến lịch sử, được là một phần của nó và được ở vị trí có khả năng tạo ra sự thay đổi.
Dĩ nhiên là phải làm việc cật lực: nhưng thử hỏi nghề nào mà không đòi hỏi sự hết mình? Dĩ nhiên là có những đêm thức trắng, có những cuối tuần, ngày lễ không được nghỉ, có những lúc bạn phải làm việc khi mọi người đang thảnh thơi nghỉ ngơi, tiệc tùng.
Dĩ nhiên, đây là một nghề nguy hiểm, nhất là khi công việc đòi hỏi bạn phải viết những bài điều tra nhạy cảm, hay đi vào những vùng chiến sự. Có lẽ sẽ đến lúc những chuyến đi làm bạn mệt mỏi, rã rời. Thú thật, tôi đã từng có lúc thấy mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ đến mức muốn bỏ cuộc.
Làm báo không chỉ là một nghề, mà còn là một lối sống, một khi bạn đã chọn, thì khó lòng bỏ nó.
|
0 Góp ý:
» Để gởi góp ý mới, bạn cần đăng ký 1 tài khoản tại đây ! << Trở về