Tính toán của nhà đầu tư ngoại
Điểm Ngôi sao Blog: 0 (0 lượt) |
|
Vì sao khi chỉ số VN-Index tăng, các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm hẳn mua vào và ngược lại. Tháng 10 vừa qua là một tháng khá "đẹp" của thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index tăng, giá trị giao dịch cao ngất.
Trong khi các nhà đầu tư trong nước hồ hởi mua bán, các nhà đầu tư nước ngoài giảm hẳn mua vào. Còn hiện nay, VN-Index có dấu hiệu lình xình trở lại, nhiều nhà đầu tư trong nước phân vân, các nhà đầu tư ngoại lại đẩy mạnh mua vào.
Các động thái của nhà đầu tư nước ngoài luôn được các giới đầu tư trong nước quan tâm bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến diễn biến của thị trường. Ở những thời điểm thị trường lình xình kéo dài, bản lĩnh của giới đầu tư ngoại thể hiện qua khối lượng và giá trị giao dịch luôn rất cao là niềm cổ vũ lớn cho thị trường. Thế nhưng nếu như trước đây, lượng mua vào của giới đầu tư nước ngoài thường chiếm từ trên 20-45% giá trị giao dịch của thị trường thì thời gian gần đây, trong khi thị trường hưng phấn trở lại thì họ lại đổi "thái độ", giảm hẳn lượng giao dịch, đặc biệt giảm mạnh lượng mua vào.
Tại phiên giao dịch ngày 9/10, VN-Index tăng mạnh với giá trị giao dịch gần 1.340 tỷ đồng thì lượng mua vào của nhà dầu tư nước ngoài chỉ khoảng 164 tỷ đồng, chiếm trên 13% giá trị giao dịch toàn thị trường. Đến phiên giao dịch ngày 17/10, lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm mạnh, chỉ chiếm trên 9%, tương đương với 120 tỷ đồng trong tổng số gần 1.300 tỷ đồng giao dịch toàn thị trường. Ở phiên giao dịch ngày 19/10, VN-Index tiếp tục đi lên với hàng loạt các cổ phiếu tăng trần, giá trị giao dịch gần 1.300 tỷ đồng thì họ vẫn dửng dưng. Họ chỉ mua vào khoảng 12% giá trị giao dịch toàn thị trường, tương đương với trên 144 tỷ đồng... Không chỉ lượng mua vào, ngay cả lượng bán ra của họ trong thời điểm này cũng giảm hẳn so với thời gian trước.
Thái độ "dửng dưng với thời cuộc" đang nóng bỏng của nhà đầu tư nước ngoài đang là dấu hỏi lớn đối với không ít các nhà kinh doanh và các tổ chức trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, khi VN-Index có dấu hiệu chững lại, không ít giới đầu tư trong nước bắt đầu "nhãng" ra thì nhà đầu tư nước ngoài lại nhập cuộc với lượng mua vào tăng mạnh. Tại phiên giao dịch ngày 30/10, họ đã mua vào 76 loại cổ phiếu với tổng khối lượng trên 2,7 triệu đơn vị, tương đương 396,567 tỷ đồng, chiếm 29,32% giá trị giao dịch toàn thị trường. Phiên giao dịch trước đó, VN-Index giảm đến 28,28 điểm thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn điềm nhiên mua vào 72 loại cổ phiếu với tổng khối lượng gần 3 triệu đơn vị, tương đương 562,598 tỷ đồng, chiếm 27,53% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Đặt vấn đề "đồng loạt giảm mua" của giới đầu tư nước ngoài trong cả "tháng 10 lạc quan" với chuyên gia chứng khoán Huy Nam, với câu hỏi đây có phải là kịch bản có chủ ý? Ông Nam cho rằng, để làm rõ vấn đề này cần phải phân loại 2 đối tượng nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức, các quỹ đầu tư lớn và các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Với các tổ chức, các quỹ đầu tư lớn thì việc giảm mua có khả năng họ đang chờ đợi các đợt phát hành lớn như IPO Vietcombank (VCB)... Việc họ tập trung vào thị trường sơ cấp thì giảm mua hay giảm giao dịch ở thị trường niêm yết cũng không có gì là lạ.
Cũng có thể, đến thời điểm hiện nay, các tổ chức và các quỹ đầu tư nước ngoài đã đạt được kỳ vọng về lợi nhuận, họ ngưng giao dịch để chuyển sang đầu tư các cổ phiếu mới phát hành. Còn với các nhà đầu tư nước ngoài nhỏ, lẻ, lâu nay khuynh hướng đầu tư của họ không rõ ràng lắm. Vì vậy, khó có thể kết luận chắc chắn về nguyên nhân giảm giao dịch của họ tại thời điểm hiện nay. Ông Nam cũng cho rằng, cả hai nhóm này đều giảm giao dịch, đặc biệt là giảm lượng mua vào có thể chỉ là sự trùng hợp. Bởi trong thời kỳ chứng khoán không sôi động, họ vẫn mua vào rất mạnh mẽ. Còn khi thị trường hồi phục trở lại, họ lại chờ đợi một tín hiệu mới khác. Đó chính là sự chuyên nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với một góc nhìn khác, giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM lại cho rằng động thái giao dịch của giới đầu tư nước ngoài như một kịch bản. Nếu nhìn cả một quá trình nhẫn nại chờ đợi các đợt IPO lớn vào dịp cuối năm của họ thì rất có khả năng, họ đang cố tình lèo lái thị trường theo hướng có lợi cho áp lực giải ngân vào dịp cuối năm. Rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài "ôm tiền" chờ các đợt IPO lớn vào cuối năm song đến thời điểm hiện nay, ngoài VCB thì các IPO lớn khác đều chuyển sang năm 2008 khiến họ bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan với khối lượng tiền cần giải ngân lớn. Việc hãm phanh đà tăng VN-Index để tìm cơ hội mua vào một số cổ phiếu với giá hợp lý có thể là chiến lược họ đang sử dụng thông qua việc giảm giao dịch như đã nói trên...
Kịch bản được dựng sẵn hay chỉ là sự ngẫu nhiên chưa thể kết luận. Song theo các chuyên gia chứng khoán, sự chuyên nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua việc đầu tư có chiến lược, mục tiêu rõ ràng, không chạy theo số đông là điều mà các giới đầu tư trong nước cần phải học tập.
Viết bởi meo con >> 12:51 PM
0 Góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trở về