Những bàn tay vẫy, những ngọn đèn ngoan
Sáng nay trời mưa. Cơn mưa mùa hạ dịu mát nhưng khiến cho người đi làm tất bật hơn. Từ yên sau những chiếc xe máy của mẹ, từ sâu bên trong những tấm áo mưa bịt bùng, bỗng xoè ra những bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy thay cho đèn xi nhan đã bị áo mưa phong kín, để cho xe mẹ đi qua những ngã ba, ngã tư an toàn giữa bao nhiêu là người xe. Ơi những bàn tay xinh, những ngọn đèn ngoan, chúng dễ thương và dễ yêu biết bao!
Những bé em nước Việt luôn như vậy. Đầy thấu hiểu, bao dung, biết tần tảo và sẻ chia. Sẻ nghèo và chia khổ với mẹ cha. Những bé em 9-10 tuổi từ xưa đã biết chăn trâu cắt cỏ, biết trồng trọt, biết bế em thổi cơm. Những năm bom đạn, còn biết đưa em xuống hầm, biết trèo lên ngọn cây cao xem đạn nổ phương nào, xem mẹ đánh giặc ở đâu. Biết đưa cơm cho mẹ em đi cày, biết chia sẻ với mẹ khi người lặn lội những ban trưa "nước như ai nấu chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy…"
Các em biết sẻ nghèo và chia khổ với đất nước. Một đất nước bốn ngàn năm lớn lên trong rơm rạ, biết đi dép chưa lâu. Nên một lõi cuộn chỉ trong tay bé em cũng đủ thành ngựa xe chở ước mơ, những hòn sỏi hòn cuội cũng điều quan khiển dân, dăm sợi tơ hồng cũng đủ thành vương miện, vài bông râm bụt cũng đủ kết thành đèn hội hoa đăng, ít tấm giẻ vụn cũng đủ dệt nên thế giới cổ tích với búp bê công chúa và hoàng hậu, một sợi lá dừa cũng thành chong chóng, thành máy bay đưa em vào tương lai…Đơn sơ giản dị và khốn khó cùng dân tộc, vậy mà thế hệ nối tiếp thế hệ làm cho xứ sở này đủ tên đủ tuổi, và non nước này mãi ngàn thu.
Ngày hôm nay cả dân tộc đã ngẩng mặt lên với thế giới, đã đến lúc có thể cho các em những gì tốt đẹp nhất. Ngày 1-6 năm nay chúng ta nói nhiều về điều đó, nhưng mọi điều vẫn chỉ là khẩu hiệu chừng nào chúng ta vẫn vì chúng ta hơn là vì các em, chừng nào chúng ta vẫn chưa thấy rằng bàn tay của các em xoè ra chính là những ngọn đèn xi nhan, chừng nào chúng ta vẫn đi theo hướng của chúng ta thay vì đi theo hướng những ngọn đèn xi nhan này. Chiếc cặp sách và hệ thống giáo dục cũ kỹ nặng nề trên lưng đã biến các em thành những chú rùa chậm chạp. Các em đã tất bật học ngày học đêm vì các em biết "nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều". (Hồ Chí Minh, 9-1945). Một thực tế là, trong cuộc chạy đua để đưa dân tộc Việt Nam "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu", chiếc mai rùa nặng nề đã làm khó các em. Vậy là, bắt chước chú rùa trong chuyện cổ tích, các em dùng tiểu xảo: Sau mỗi cuộc thi phao trắng sân trường.
Hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử có đơn thuần chỉ là vấn đề hạnh kiểm học sinh? Bao nhiêu phần trăm là từ sự phản lực của những môn học không áp đặt nổi vào tâm hồn trẻ dại? Bao nhiêu phần trăm từ sự cưỡng chế bất thành của những bài học quá tải? Bao nhiêu phần trăm từ sự phá sản của phương pháp giảng dạy? Bao nhiêu phần trăm từ sự bất lực của thầy cô trong vai trò một thành phẩm không trọn vẹn của một nền giáo dục vốn còn khiếm khuyết từ hôm qua?
Xin hãy nhìn và đi theo những bàn tay vẫy, những bàn tay nhỏ xíu như những ngọn đèn ngoan.
Tác giả: Đoàn Cômh Lê Huy
|
0 góp ý:
Gởi góp ý mới
<< Trang chủ