I
Vấn
Ðại bi làm đạo nghiệp
Hằng sa Phật xưa nay
Hoa tâm Bồ tát trổ
Hẳn sinh ba cõi nầy.
Ngại chi đời ác trược
Ba đường dữ vào ra
Nay cầu sinh cõi tịnh
Sao gọi rằng lợi tha ?
Ðáp
Nầy đại phu nên biết
Bồ tát ví mầm xanh
Tạm nói rằng hai tướng
Kết quả chứng vô sanh
Lại có hàng Bồ tát
Cánh khép ươm tà hoa
Vô sinh chưa chứng đươc
Thường kề cận Phật Ðà
Bậc chứng vô sinh nhẫn
Nếu lìa bỏ chúng sinh
Cầu đất lành chim đậu
Lời trách chẳng vô tình.
Ví như hàng Bồ tát
Sơ phát tâm Bồ đề
Ðại Trí Ðộ thường nói
Phàm phu nghiệp nặng nề.
Khá biết bởi vì sao?
Ác nghiệp chốn trần lao
Lẫy lừng và cùng khắp
Non thẳm mấy tầng cao
Nhẫn lực chưa thành tựu
Cho dù với đại bi
Như chim non cánh mỏng
Trời rộng dễ gì bay
Tự pháp ắt sinh tâm
Vô minh tùy cảnh chuyển
Danh sắc khéo buộc ràng
Biết đâu là giả huyễn
Tự cứu cũng chẳng xong
Cảnh xấu ác đầy dẫy
Chánh nhân đà khó gặp
Phật đạo dễ gì thấy
Trì giới và bố thí
Do nhân gieo đời xưa
Thọ sinh hàng quyền quý
Tham đắm mấy cho vừa
Ví gặp thiện tri thức
Chánh lý nghịch tà tâm
Nghĩa sâu trái lòng cạn
Tịnh hạnh ngược tham sân
Thân sinh thì thân diệt
Tam đồ lại thọ thân
Trải hằng vô lượng kiếp
Sinh làm kẻ cô bần
Chuyển xoay đà mấy thuở
Luân lạc một tâm nầy
Xưa nay nào có khác
Nan-hành-đạo vậy thay.
Thành Xá Ly ngày xưa
Lời kinh Duy Ma Cật
{Chẳng tự cứu lấy mình
Há cứu người mà được ?}
Ðại Trí Ðộ lại nói
Ví có hai người kia
Người thân bị nước cuốn
Muốn cứu dưới dòng gieo
Biết đâu là đáy vực
Biết đâu sức cuồng lưu
Cứu nhau đà chẳng được
Thác lũ cánh bèo trôi
Còn lại một người trí
Thả bè xuôi dòng xanh
Cứu lấy người chẳng khó
Ví Bồ tát vô sanh
Lại ví như trẻ thơ
Chớ rời xa bóng mẹ
Lại ví như chim non
Nhảy chuyền trên nhánh lá
Phàm phu cũng chẳng khác
Tâm niệm A Di Ðà
Ðến khi thanh tịnh nghiệp
Chứng được quả vô sinh
Bấy giờ nương Pháp nhẫn
Dong thuyền giữa biển khơi
Mặc tình muôn lớp sóng
Mặc thế sự đổi dời
Bậc bi tâm hành giả
Muốn vào biển trầm luân
Nên cầu sinh đất tịnh
Dị-hành-đạo gọi chung.
II
Vấn
Thể vạn pháp vốn Không
Xưa nay thường vắng lặng
Bồ tát bỏ Sa Bà
Lại cầu nơi Cực Lạc
Như kinh thường nói rằng
Nay muốn cầu tịnh độ
Trước phải tịnh tâm mình
Tâm tịnh tức độ tịnh
Như lời kinh mà suy
Ngôn hạnh chẳng đồng nhất
Bỏ đây cầu nơi kia
Lý nào là lý Phật ?
Ðáp
Phân hai nghĩa rõ ràng
Tổng-đáp và Biệt-đáp
Bỏ đây cầu nơi kia
Cho rằng chẳng bình đẳng
Lại như ông, chấp đây
Bỏ cầu sinh tịnh giới
Há chẳng lại là người
Bỏ kia cầu đây thôi
Nếu nói chẳng đây, kia
Nầy đại phu phải biết
Ông lại chính là người
Mắc phải lỗi đoạn diệt.
Dòng Kim Cang Bát Nhã
Phật thuyết trên đài hoa
{Tu Bồ Ðề nên rõ
Tướng vạn pháp một thừa
Chớ nên nói lời rằng
Người phát tâm vô thượng
Nơi đó, chính là người
Ðoạn diệt tất cả tướng
Khá biết bởi vì sao?
Người phát tâm vô thượng
Tánh, Tướng chẳng rời nhau
Há nói tướng đoạn diệt.}
Lại như phần biệt-đáp
Nói đến lý vô sinh
Cùng như về tánh tịnh
Tôi vì ông minh bạch
Vô sinh tức bất sinh
Bất sinh thì bất diệt
Do giả hợp tựu thành
Chính vì không tự tánh
Chẳng từ đâu mà lại
Nên gọi là bất sinh
Ðại phu- ông phải biết
Sóng vỡ- một dòng xanh.
Sao gọi là bất diệt ?
Bởi chẳng đi về đâu
Ðại phu- ông phải biết
Bàng bạc mây trên đầu.
Vô sinh hoặc vô diệt
Vẫn không ngoài các pháp
Ðó chính thực chân như
Chân như trong vạn pháp.
Chẳng cầu sinh tịnh độ
Hoặc chẳng muốn Di Ðà
Vô sinh nào nghĩa ấy
Chấp một- chẳng lìa xa.
Xưa kia Ngài Long Thọ
Dùng Trung Quán hiển khai
Lời xưa đâu đấy tỏ
Sấp, ngữa một bàn tay.
{Các pháp nhân duyên sinh
Ta nói chính là Không
Ðó gọi là giả danh
Cũng là nghĩa Trung Ðạo}
Các pháp chẳng tự sinh
Chẳng nơi khác mà sinh
Chẳng cộng, chẳng vô nhân
Nên gọi là vô sinh.}
Kinh Duy Ma lại nói:
{Quốc độ và hữu tình
Biết tánh Không các cõi
Thường tu- dạy quần sinh}.
Ví người xây cung thất
Muốn trụ giữa hư không
Chẳng chống trời, dựa đất
Tất không thể nên công .
Thực tướng của các pháp
Tùy căn tánh chúng sanh
Chư Phật dùng Nhị Ðế
Không hoại diệt giả hình.
Vậy mới hay kẻ trí
Tịnh độ cầu vãng sinh
Biết Không vốn thể tánh
Ðó thực chân vô sinh.
Tâm tịnh cõi Phật tịnh
Mới chính thực nghĩa nầy
Kẻ ngu si vọng chấp
Ngàn dặm dấu bèo, mây.
Nghe sinh, liền chấp sinh
Nghe vô sinh, lại chấp
Vô sinh là chẳng sinh
Không chỗ nơi hội nhập.
Tâm mê nào thấy được
Sinh chính thực vô sinh
Cả hai nào ngăn ngại
Khác chi bóng theo hình
Trí khởi sinh tranh chấp
Tâm ưa thích thị phi
Khinh người cầu Cực Lạc
Bởi chấp đến, chấp đi.
Kẻ tội nhân báng Pháp
Ðã chính thực mê lầm
Hàng tà kiến ngoại đạo
Cách Phật đến muôn trùng.
III
Vấn
Pháp tánh cùng công đức
Cõi Phật khắp mười phương
Bình đẳng nào sai khác
Sao chỉ cầu một đường ?
Ðáp
Ðúng như lời ông nói
Mười phương Phật đủ đầy
Kẻ độn căn, thiểu trí
Cần buộc tâm cõi nầy.
Muốn tựu thành tam muội
Tâm niệm một hồng danh
Tâm chuyên vào một cảnh
Nhất-tướng tam-muội thành.
Ngài Phổ Quang Bồ tát
‘Tùy Nguyện Vãng Sanh Kinh’
Dưới đài sen tán thán
Ðảnh lễ bạch lời rằng :
{Nơi nào chẳng tịnh độ
Ðâu chỉ riêng Tây phương ?
Mười phương cõi nước Phật
Một màu hoa thanh lương
Bởi do nhân duyên gì
Thế Tôn riêng khen ngợi
Cõi nước A Di Ðà
Khuyên sinh về nước ấy ?}
{Nầy Phổ Quang Bồ tát
Chúng sinh cõi Diêm Phù
Tâm tánh thường mê loạn
Vời vợi dạ du du.
Nếu tưởng nhiều quốc độ
Nếu niệm nhiều Phật danh
Tâm kia không kiên cố
Tam muội khó tựu thành.
Công đức của chư Phật
Ðồng pháp tánh như nhau
Cầu công đức một Phật
Ngàn công đức gồm thâu .
Nay nhất tâm xưng tán
Phật danh A Di Ðà
Không khác đà xưng tán
Chư Phật khắp hằng sa .
Sinh về cõi tịnh độ
A Di Ðà phương Tây
Tức sinh về tất cả
Cõi tịnh mười phương nầy .}
Thân tất cả chư Phật
Cũng chính một Phật thân
Kinh Hoa Nghiêm từng nói
Ðịnh, huệ, lực cũng đồng.
Ví vành trăng tròn sáng
In bóng khắp sông hồ
Như bậc vô ngại trí
¬ng hiện diệu thần cơ
Người tuệ căn nên biết
Thân Phật không có hai
{Tâm niệm một danh Phật
Tức mười phương Như Lai .}
IV
Vấn
Chúng sanh tâm trược loạn
Tam muội khó tựu thành
Mười phương đồng có Phật
Chẳng tùy nguyện vãng sinh ?
Ðáp
Trí phàm, tâm thô cạn
Chẳng nên tự lọc lừa
Vâng phục lời Phật dạy
Y pháp tự ngàn xưa
Châu sa vương lòng giấy
Lá bối thơm lời kinh
Dòng hoa từ kim khẩu
{Cực Lạc cầu vãng sinh.}
A Di Ðà tự thuyết
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Hoa Nghiêm, Vô Lượng Thọ
{Cực Lạc cầu vãng sinh.}
Hằng sa chư Phật, Tổ
Tịnh Ðộ một cõi nầy
Bốn mươi tám thệ nguyện
Ánh sáng nhuộm hồng mây.
Tám vạn bốn ngàn tướng
Tướng tướng phóng quang minh
Tỏa ngời muôn pháp giới
Cảm ¬ng tự nhiên thành.
Phật mười phương cõi nước
Hiện tướng lưỡi rộng dài
Chứng minh lời tự thuyết
Cực Lạc một trời Tây
A Di Ðà Tôn Phật
Hy hữu đại nhân duyên
Diêm Phù Ðề cõi ấy
Tạng kinh báu lưu truyền
Rằng: {Trong thời mạt tận
Ngọc điệp khép tờ hoa
Một trăm năm còn lại
Dòng kinh A Di Ðà}.
V
Vấn
Phước đức cõi người mỏng
Phiền não chướng bủa vây
Kho chứa muôn ác nghiệp
Chưa vơi lại đổ đầy.
Nước Cực Lạc trang nghiêm
Vượt ra ngoài ba cõi
Phàm tâm tâm dấy động
Tạp niệm niệm bồi hồi
Nhân gieo toàn hạt dữ
Trí cạn trăng lồng mây
Nay vọng sinh đất tịnh
Ðiệp sứ khôn hồi quy.
|
1 Góp ý:
Tự cứu cũng chẳng xong
Cảnh xấu ác đầy dẫy
Chánh nhân đà khó gặp
Phật đạo dễ gì thấy
Gởi góp ý mới
<< Trở về